Cụ thể, ngày 11/4, anh K. (sinh năm 2000, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm. Khi thấy quảng cáo tuyển dụng của một trường quốc tế, anh K. để lại thông tin cá nhân ứng tuyển trên Facebook. Sau đó, một người gọi điện cho anh K. và tự giới thiệu là nhân viên tuyển dụng của trường quốc tế này. Đối tượng yêu cầu anh K. làm các bài kiểm tra IQ, EQ và đăng ký dự án an sinh xã hội do "nhà trường kết hợp Vietlott" thực hiện thì mới được tuyển dụng. Sau đó, các đối tượng dẫn dắt anh K. đầu tư vào dự án an sinh xã hội với lời hứa hẹn lợi nhuận lên đến 40%.
Ban đầu, anh K chuyển 100.000 đồng làm nhiệm vụ và được nhận lại 300.000 đồng vào tài khoản ngân hàng. Tin tưởng "dự án", anh K. tiếp tục đầu tư gần 200 triệu đồng nhưng khi rút tiền ra thì hệ thống báo lỗi và yêu cầu anh chuyển thêm 100 triệu đồng. Phát hiện mình bị lừa, anh K. đã đến Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội trình báo.
Để phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân kiểm tra kỹ thông tin các trường, trung tâm tuyển dụng quốc tế nước ngoài qua Lãnh sự quán, Đại sứ quán nước đó tại Việt Nam. Đặc biệt, người tìm việc phải kiểm tra kỹ tính chính thống của thông báo tuyển dụng; nếu bên tuyển dụng có cơ sở ở Việt Nam thì trực tiếp đến cơ sở để kiểm chứng thông tin.
Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác trước những lời mời chào đầu tư, làm nhiệm vụ được hưởng hoa hồng, lãi suất cao có thể là chiêu trò của các đối tượng lừa đảo; tuyệt đối không truy cập vào đường link lạ, các tập đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội… Người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin về các phương thức lừa đảo trên phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho người thân, gia đình về các phương thức lừa đảo, các biện pháp phòng, chống.
Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.