Một trong số các thuốc đó là glipizide tôi. Là thuốc uống chống đái tháo đường thuộc nhóm sulfonylurê thế hệ 2, glipizide thường được dùng theo đường uống. Tuy nhiên cần chú ý tới việc bác sĩ kê đơn cho mình dùng dạng thuốc nào (viên thông thường hay viên giải phóng chậm) để có cách dùng phù hợp. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc để biết được điều này, vì dùng thuốc đúng cách là một khâu rất quan trọng quyết định tới hiệu quả điều trị của thuốc và giảm nguy cơ tác dụng phụ của thuốc.
Ở một số người bệnh, điều trị đơn độc bằng glipizid không đạt được hiệu quả tốt, có thể phải phối hợp với một thuốc uống chống đái tháo đường thứ hai. Tuy nhiên, khi dùng đơn độc hay phối hợp với các thuốc khác người bệnh cần cảnh giác với nguy cơ hạ đường huyết khi dùng glipizid, nhất là với người bệnh là người cao tuổi, suy dinh dưỡng, suy gan, thận... Suy gan hoặc thận có thể làm tăng nồng độ glipizid trong máu và suy gan có thể làm giảm khả năng tạo glycogen, cả 2 yếu tố này làm tăng nguy cơ gây hạ đường huyết trầm trọng. Các trường hợp uống rượu, hoạt động, tập luyện kéo dài, lao động nặng, ăn ít không đủ calo, dùng nhiều thuốc chống đái tháo đường, suy tuyến thượng thận hoặc tuyến yên đều rất dễ gây hạ đường huyết. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm: run rẩy, chóng mặt, đau đầu, vã mồ hôi và cảm thấy đói, tim đập nhanh, giảm thị lực, cáu gắt và da tái nhợt... Nếu không được phát hiện kịp thời và xử trí sớm, hạ đường huyết có thể dẫn đến hôn mê và gây nên nhiều tác hại cho người bệnh.
Ngoài ra, khi dùng glipizid, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng bất lợi về tiêu hóa (như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng), về thần kinh (đau đầu), về da (ban đỏ, mày đay, mẫn cảm với ánh sáng)... Khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp. Cần nhấn mạnh rằng, đối với người bệnh đái tháo đường, glipizid chỉ là một phần của chế độ điều trị bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện.