ThS.BS Phan Vũ Anh Minh, Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
Phóng viên: Thưa bác sĩ, chỉ số SpO2 là gì có giá trị ra sao?
ThS.BS Phan Vũ Anh Minh: SpO2 là chữ viết tắt của “peripheral oxygen saturation”, nghĩa là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Đây là tỉ lệ phần trăm số hemoglobin có gắn oxy so với tổng lượng hemoglobin trong máu ngoại vi.
Bình thường, để đánh giá khả năng vận chuyển oxy của hệ tuần hoàn đến các cơ quan, chúng ta cần đo độ bão hòa oxy trong máu động mạch. Như vậy, chúng ta cần phải lấy máu trực tiếp trong lòng động mạch để đo được thông số này. Việc này gây đau đớn và nhiều bất tiện cho người bệnh. Để đánh giá thông số này cách gián tiếp và không xâm lấn, chúng ta có thể đo SpO2, tức là đo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi tại vị trí động mạch các ngón tay hoặc ngón chân. Cách đo dựa trên nguyên lý các hemoglobin có gắn oxy và không gắn oxy sẽ hấp thụ ánh sáng hồng ngoại và cận hồng ngoại khác nhau.
SpO2 sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo: tỉ lệ phần trăm (%). Phạm vi đo: 0-100%. Giá trị bình thường: 94-100%. Sai số khi đo: ± 2%.
Các kết quả đo có thể không chính xác đối với những người đã từng sử dụng thuốc cản quang, những người có nồng độ hemoglobin bất thường, đặc biệt đối với các trường hợp ngộ độc carbon monoxide và ngộ độc các chất gây methemoglobin, những người bị hạ huyết áp, co thắt mạch máu nghiêm trọng, thiếu máu hoặc hạ thân nhiệt.
Phóng viên: Chỉ số SPO2 có giá trị như thế nào đối với bệnh nhân mắc COVID-19? Có phải là một dấu hiệu để nhận biết sớm một người mắc COVID-19 hay không?
Chỉ số SpO2 là một trong các thông số giúp đánh giá và theo dõi mức độ nặng của tình trạng suy hô hấp của người bệnh mắc COVID-19. Đồng thời, đây cũng là thông số giúp theo dõi đáp ứng điều trị với oxy của người bệnh, giúp điều chỉnh nồng độ oxy trong khí hít vào cho phù hợp với tình trạng người bệnh.
Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu để nhận biết sớm một người mắc COVID-19, có nghĩa rằng không phải chúng ta đo SpO2 thường xuyên trong ngày là có thể phát hiện sớm mình bị nhiễm COVID-19. Hầu hết người bệnh F0 (khoảng 80%) không có triệu chứng gì hoặc chỉ có sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và không giảm SpO2. Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7- 8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm viêm phổi, viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp,... Khi đó, người bệnh bắt đầu mới giảm SpO2.
Đối với bệnh nhân người lớn mắc COVID-19, cần báo ngay cho nhân viên y tế hoặc đi khám khi SpO2 < 94% khi người được đo đang thở khí trời hoặc khí phòng. Ngưỡng giá trị này không áp dụng cho những người có tiền căn bệnh hen suyễn, bệnh phổi mạn tính, suy tim, hoặc khi đo ở độ cao trên 1500m so với mực nước biển.
Theo hướng dẫn của Hội Hồi Sức Hoa Kì (SCCM), SpO2 < 92% là chỉ định điều trị oxy liệu pháp cho người bệnh. Đồng thời, người bệnh cần được cho nhập viện và theo dõi sát diễn tiến tình trạng suy hô hấp tại bệnh viện.
Mặc dù SpO2 ≥ 92%, nhưng nếu người bệnh F0 có biểu hiện suy hô hấp, bao gồm: cảm giác khó thở nhiều, thở nhanh > 30 lần/phút, thở co kéo các cơ hô hấp phụ nhiều, vẫn cần được nhập viện ngay để theo dõi và điều trị.
Phóng viên: Những lưu ý về việc sử dụng thiết bị này tại nhà? Các thiết bị phần mềm trên điện thoại, đồng hồ... có thể thay thế được thiết bị đo chuyên dụng hay không?
ThS.BS Phan Vũ Anh Minh: Các đối tượng F1 khi tự theo dõi tại nhà, không cần phải sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu. Nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế địa phương để được hướng dẫn cụ thể.
Đối với các trường hợp F0 mà không có triệu chứng, được phép tự cách ly và theo dõi tại nhà theo quy định của Bộ Y Tế, có thể sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu để tự theo dõi tại nhà.
Khi sử dụng máy đo nồng độ oxy này, để các thông số đo được chính xác, cần chú ý không cử động ngón tay đang được kẹp để đo. Ngoài ra, không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay có thể che kín bộ phận cảm biến trong khe kẹp.
Các ngưỡng giá trị bình thường sẽ thay đổi đối với các trường hợp có tiền căn bệnh hen suyễn, bệnh phổi mạn tính, suy tim, hoặc khi đo ở độ cao trên 1500m so với mực nước biển. Và các kết quả đo có thể không chính xác đối với những người đã từng sử dụng thuốc cản quang, những người có nồng độ hemoglobin bất thường, đặc biệt đối với các trường hợp ngộ độc carbon monoxide và ngộ độc các chất gây methemoglobin, những người bị hạ huyết áp, co thắt mạch máu nghiêm trọng, thiếu máu hoặc hạ thân nhiệt.
Những người bệnh có nguy cơ suy hô hấp tiến triển nặng hơn, cần được theo dõi sát SpO2, đặc biệt vào ban đêm để sớm phát hiện người bệnh bị tụt oxy nặng. Các máy đo oxy có chức năng báo động khi giá trị SpO2 thấp hơn ngưỡng giá trị nhất định do chúng ta cài đặt. Do đó không được tắt chức năng báo động của máy, và phải chú ý cài đặt ngưỡng báo động chính xác.
Các ứng dụng trên điện thoại, đồng hồ,... đều cho kết quả đo SpO2 không chính xác, không thể sử dụng cho các mục đích đánh giá và theo dõi người bệnh. Bản thân các nhà sản xuất các ứng dụng này cũng nhấn mạnh trong phần mô tả ứng dụng của mình rằng “không được sử dụng các kết quả đo này vào mục đích lâm sàng”. Do đó, các thiết bị này không thể thay thế được thiết bị đo chuyên dụng. Trong khi các thiết bị chuyên dụng sử dụng ánh sáng hồng ngoại và bộ cảm biến chuyên biệt, các ứng dụng trên điện thoại hay đồng hồ chỉ sử dụng ánh sáng đèn pin (có quang phổ nằm trong ngưỡng nhìn thấy được) và máy ảnh (camera) của các thiết bị này.
Có 2 nghiên cứu được thực hiện và công bố vào năm 2018 và 2019, đánh giá sự chính xác của giá trị SpO2 đo trên các ứng dụng trên điện thoại, đều cho thấy các ứng dụng này cho kết quả đo không chính xác. Đặc biệt, nếu độ bão hòa oxy trong máu người bệnh càng thấp thì các ứng dụng này cho kết quả sai lệch càng lớn. Điều này cho thấy việc đánh giá tình trạng oxy máu dựa trên các kết quả đo này là việc rất nguy hiểm, vì có thể khiến người bệnh lầm tưởng về tình trạng suy hô hấp giảm oxy máu của mình.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều thiết bị đo chuyên dụng lại có kèm theo phần mềm ứng dụng trên điện thoại, đồng hồ, máy tính bảng,..., kết nối trực tiếp với các thiết bị đo này. Nếu chúng ta sử dụng những ứng dụng này, chúng ta vừa có được những thông số đáng tin cậy, vừa có thể lưu trữ các thông số này trên điện thoại, máy tính bảng,... của mình, giúp dễ dàng theo dõi xu hướng thay đổi của các thông số này và có thể trình bày cách rõ ràng cho các nhân viên y tế xem khi cần thiết.