Thời tiết đang ngày một lạnh dần là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen phát triển mạnh. Chứng bệnh này thường gặp ở người cao tuổi (NCT). Việc dùng thuốc trị hen cho NCT sao cho an toàn là điều mà cả thầy thuốc, người bệnh và người nhà bệnh nhân đều quan tâm.
Nguyên nhân gây hen ở NCT
Các yếu tố thuận lợi làm cho bệnh hen xuất hiện ở NCT như nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp hay mạn tính do vi sinh vật có hại (vi khuẩn, virut, vi nấm) như viêm họng mạn tính, viêm xoang, viêm phế quản, giãn phế quản do lạnh đột ngột hoặc lạnh kéo dài trong khi mặc không đủ ấm hoặc phòng ngủ không kín, bị gió lùa, mắc chứng hen sữa từ nhỏ... NCT bị hen có thể do gặp phải kháng nguyên lạ từ môi trường sống như: lông súc vật, phấn hoa, thực phẩm (tôm, cua…), khói, bụi đường, khói thuốc lá, thuốc lào. Nấm mốc cũng là một nguyên nhân được nhắc tới nhiều trong căn nguyên gây nên bệnh hen suyễn. NCT thường mắc nhiều bệnh và phải dùng thuốc, trong đó một số loại thuốc có thể gây bệnh hen.
Biểu hiện của hen suyễn thường là: ho, khó thở, khò khè, thời kỳ đầu có thể khó thở từng cơn có tính chất chu kỳ, đôi khi liên quan đến thời tiết, các chất tiếp xúc… Sau cơn khó thở thường ho, có đờm loãng...
Khó khăn trong điều trị
Việc điều trị hen cho NCT gặp nhiều khó khăn hơn người trẻ vì: NCT thường mắc nhiều bệnh: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim... nên hằng ngày phải dùng đều đặn nhiều thứ thuốc, đôi khi sự tương tác giữa các thuốc làm giảm hiệu quả và gây ra tác dụng phụ. Người bệnh không nhận biết sớm các triệu chứng bệnh trở nặng nên không thể xử trí kịp thời. Người bệnh có thể quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc làm tái phát cơn hen mặc dù đã được kiểm soát. NCT dễ bị tác dụng phụ khi dùng thuốc hơn người trẻ. Hơn nữa, do cấu trúc và chức năng của đường hô hấp bị biến đổi và suy giảm do quá trình lão hóa nên sự đáp ứng với thuốc cũng kém đi. NCT thường gặp khó khăn trong việc sử dụng các thuốc dạng hít và thiết bị máy móc. Vì vậy, sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân hoặc người chăm sóc rất cần thiết trong việc kiểm soát bệnh hen cho NCT, giúp người bệnh có thể dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi và phát hiện khi bệnh trở nặng cũng như những biến chứng do bệnh hoặc do thuốc gây ra.
Sử dụng thuốc
Thuốc dùng để điều trị hen gồm hai nhóm chính là thuốc chống co thắt phế quản để cắt cơn hen và thuốc chống viêm.
Chống co thắt phế quản
Các thuốc nhóm kích thích ß2 adrenergic (còn gọi là thuốc chủ vận ß2) hiện là thuốc hiệu quả và hay dùng nhất trong việc cắt cơn hen. Trong các thuốc thuộc nhóm này, người ta chia làm 2 loại căn cứ vào thời gian tác dụng của thuốc gồm: Thuốc tác dụng ngắn là salbutamol, terbutalin (bricanyl), fenoterol, có khởi phát tác dụng nhanh và thời gian tác dụng chỉ kéo dài từ 4 - 6 giờ. Thuốc tác dụng chỉ kéo dài: salmeterol, formoterol có thời gian tác dụng kéo dài khoảng 12 giờ. Các thuốc dùng để cắt cơn hen này nên dùng dưới dạng hộp có liều định chuẩn (MDI) để xịt họng khi có cơn khó thở hoặc dạng ống khí dung. Để dự phòng cơn hen về đêm thì nên dùng salbutamol tác dụng kéo dài hoặc salmeterol uống buổi tối.
Thuốc nhóm kháng cholinergic: Tác dụng giãn cơ trơn do ức chế thụ cảm thể muscarinic ở cơ trơn phế quản, ức chế phó giao cảm, tác dụng cắt cơn hen kém hiệu quả hơn so với nhóm kích thích ß2 adrenergic, tác dụng chậm hơn nhưng thời gian kéo dài hơn. Thuốc hay được sử dụng trong nhóm này là ipraptopium bromide (hộp xịt họng) hoặc dùng dạng phối hợp với fenotenol hoặc dùng dạng xịt họng đóng trong hộp có liều định chuẩn.
Thuốc chống viêm
Các thuốc hay dùng prednisolon, methylprednisolon dùng đường tiêm trong cơn hen cấp tính nặng. Khi đã cắt cơn thì nên dùng thay bằng đường uống hoặc corticosteroide tại chỗ. Corticosteroid tại chỗ: becotid (beclomethasone), pulmicort (budesonide): dùng dạng xịt hít, nếu hen chưa ổn định có thể khí dung.
Lưu ý khi dùng thuốc hen cho NCT
Tác dụng phụ của các thuốc điều trị hen cũng thường gặp ở NCT hơn so với người trẻ. Người bệnh thường rất nhạy cảm với các tác dụng phụ của thuốc, nhất là những người có bệnh tim mạch kết hợp. Khả năng đào thải thuốc kém cũng làm cho bệnh nhân hen lớn tuổi có nguy cơ cao bị ngộ độc thuốc. Những bệnh nhân uống thuốc chống viêm hoặc dùng đường hít kéo dài trong điều trị các đợt hen cấp có nguy cơ cao bị loãng xương nên cần được bổ sung canxi và vitamin D để dự phòng loãng xương.
Để phòng bệnh, cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh như len, dạ, bụi, khói thuốc, các chất khử mùi, các loại dầu thơm...; tránh dùng thực phẩm và gia vị làm bùng phát cơn hen.
Một số loại thuốc thường dùng có thể gây kịch phát cơn hen hoặc làm triệu chứng hen nặng thêm như: aspirin và các thuốc kháng viêm điều trị viêm khớp, giảm đau. Thuốc ức chế beta điều trị tăng huyết áp và bệnh tim hoặc thuốc nhỏ mắt có chứa chất ức chế beta điều trị glaucome có thể làm cho cơn hen nặng hơn. Vì thế, khi đi khám bệnh, NCT cần báo cho bác sĩ những thuốc mình đang dùng.
Khi nào bệnh nhân hen cần nhập viện?
Trong quá trình điều trị hen, nếu NCT có những dấu hiệu sau đây thì cần phải nhập viện ngay: Cơn hen rất nặng hoặc không đáp ứng tốt với điều trị. Chức năng phổi kém trên phế dung ký. Có tiền sử phải nhập viện hoặc phải dùng máy giúp thở trong cơn hen. Bệnh nhân mắc kèm bệnh nặng về phổi hoặc tổn thương phổi như viêm phổi hoặc tràn khí màng phổi (xẹp phổi)…
DS. Thanh Hoài