Một mục tiêu của việc điều trị cao huyết áp, trong đó có dùng thuốc, là đưa huyết áp về dưới 130/85mmHg, đối với người bệnh tuổi trung niên hoặc có bệnh đái tháo đường; hoặc đưa huyết áp về dưới 140/90mmHg ở người từ 60 tuổi trở lên.
Theo Tổ chức Y Tế thế giới (WHO), số huyết áp tốt nhất là 120/80mmHg, số 120 là số huyết áp trên và 80 là số dưới. Bị cao huyết áp khi 2 số trên dưới cao hơn 140/90 mmHg.
6 nhóm thuốc thường dùng để điều trị tăng huyết áp
Nhóm thuốc lợi tiểu:
Gồm có hydroclorothiazid, indapamid, furosemid, sprironolacton, amilorid, triamteren… Cơ chế của thuốc là làm giảm sự ứ nước trong cơ thể, tức làm giảm sức cản của mạch ngoại vi đưa đến làm hạ huyết áp. Dùng đơn độc khi bị cao huyết áp nhẹ, dùng phối hợp với thuốc khác khi bệnh cao huyếp áp nặng thêm.
Nhóm thuốc tác động lên thần kinh trung ương:
Gồm có reserpin, methyldopa, clonidin… Cơ chế của thuốc là hoạt hóa một số tế bào thần kinh gây hạ huyết áp. Hiện nay ít dùng do tác dụng phụ gây trầm cảm, khi ngừng thuốc đột ngột sẽ làm tăng vọt huyết áp.
Nhóm thuốc chẹn beta:
Gồm có propranolol, pindolol, nadolol, timolol, metoprolol, atenolol… Cơ chế của thuốc là ức chế thụ thể beta-giao cảm ở tim, mạch ngoại vi, do đó làm chậm nhịp tim và hạ huyết áp. Thuốc dùng thuốc cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực hoặc nhức nửa đầu. Chống chỉ định đối với người có kèm hen suyễn, suy tim, nhịp tim chậm.
Nhóm thuốc đối kháng canxi:
Gồm có nifedipin, nicardipin, amlodipin, felidipin, isradipin, verapamil, diltiazem… Cơ chế của thuốc là chặn dòng ion canxi không cho đi vào tế bào cơ trơn của các mạch máu gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp. Dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi, không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.
Nhóm thuốc ức chế men chuyển:
Gồm có captopril, enalapril, benazepril, lisinopril…, cơ chế của thuốc là ức chế một enzyme có tên là men chuyển angiotensin (angiotensin converting enzyme, viết tắt ACE). Chính nhờ men chuyển angiotensic xúc tác mà chất sinh học angiotensin I biến thành angiotensin II và chính chất sau này gây co thắt mạch làm tăng huyết áp (THA). Nếu men chuyển ACE bị thuốc ức chế tức làm cho không hoạt động được sẽ không sinh ra angiotensin II, sẽ có hiện tượng giãn mạch và làm hạ huyết áp. Là thuốc được chọn khi người bị kèm hen suyễn (chống chỉ định với chẹn beta), đái tháo đường (lợi tiểu, chẹn beta). Tác dụng phụ: làm tăng kali huyết và gây ho khan.
Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II
Thuốc đầu tiên được dùng là losartan, sau đó là các thuốc irbesartan, candesartan, valsartan. Nhóm thuốc mới này có tác dụng hạ huyết áp, đưa huyết áp về trị số bình thường tương đương với các thuốc nhóm đối kháng calci, chẹn beta, ức chế men chuyển. Đặc biệt, tác dụng hạ huyết áp của chúng tốt hơn nếu phối hợp với thuốc lợi tiểu thiazid. Lợi điểm của thuốc nhóm này là do không trực tiếp ức chế men chuyển nên gần như không gây ho khan như nhóm ức chế men chuyển hay không gây phù như thuốc đối kháng canxi. Tác dụng phụ có thể gặp là gây chóng mặt, hoặc rất hiếm là gây tiêu chảy. Chống chỉ định của thuốc là không dùng cho phụ nữ có thai hoặc người bị dị ứng với thuốc.
Dùng thuốc điều trị cao huyết áp phải có chỉ định của bác sĩ
Các thuốc thuộc các nhóm kể ở trên hiện nay đều có ở nước ta. Để được điều trị bằng thuốc, người bệnh cần đi khám và được bác sĩ điều trị chỉ định, hướng dẫn sử dụng thuốc. Bởi vì bác sĩ nắm vững tính năng các thuốc, khám bệnh trực tiếp sẽ lựa chọn thuốc thích hợp và hướng dẫn thực hiện các nguyên tắc dùng thuốc. Sự lựa chọn thuốc trị tăng huyết áp sẽ tùy thuộc vào: yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, có sự tổn thương các cơ quan (như: suy thận, suy tim, dày thất trái…), có kèm bị bệnh đái tháo đường… Đặc biệt, bác sĩ sẽ giúp tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Trước hết, dùng liều thấp ban đầu và tăng liều dần dần với chỉ một loại thuốc.
- Nếu không hiệu quả, mới kết hợp 2 thuốc.
- Nếu thuốc được chọn đầu tiên có hiệu quả kém và có nhiều tác dụng phụ thì đổi nhóm thuốc khác, không cần tăng liều hoặc kết hợp thêm thuốc thứ 2.
- Nên dùng loại thuốc cho tác dụng kéo dài, uống một lần trong ngày.
Người bệnh có nên tự ý đổi thuốc?
Như đã trình bày ở phần trên, thuốc trị THA có nhiều loại và vấn đề sử dụng thuốc không đơn giản mà khá phức tạp. Chỉ có bác sĩ điều trị mới là người có thẩm quyền chỉ định, hướng dẫn dùng thuốc an toàn và hiệu quả, đặc biệt, bác sĩ sẽ là người đưa ra quyết định có nên thay thuốc điều trị bấy lâu nay bằng một thuốc mới hay không. Mọi sự thay đổi về dùng thuốc phải hỏi ý kiến của bác sĩ và thay đổi như thế nào là thuộc thẩm quyền của bác sĩ điều trị. Bệnh nhân không được tự ý thay đổi thuốc vì việc làm này rất nguy hiểm, dùng không đúng sẽ bị độc hại do thuốc hoặc bệnh THA nặng hơn đến mức nguy hiểm.
Có nên ngưng thuốc khi huyết áp không tăng?
Khi đã xác định là bị bệnh THA thì phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không vì thấy huyết áp không tăng thì ngưng thuốc, ngưng thuốc như thế có khi là nguy hiểm vì có nhiều thuốc nếu đang dùng mà lại ngưng đột ngột sẽ làm cho huyết áp tăng vọt. Hoặc có thuốc nếu uống theo kiểu huyết áp tăng thì mới uống, uống rồi ngưng và ngưng rồi uống thì thuốc đó sẽ đến lúc không còn có tác dụng như ban đầu. Phải uống thuốc đều đặn và theo dõi huyết áp thường xuyên, khi có gì bất thường (có thể bị tác dụng phụ có hại của thuốc) thì phải đi tái khám bác sĩ ngay.
Phải uống thuốc đều đặn và theo dõi huyết áp thường xuyên, khi có gì bất thường (có thể bị tác dụng phụ có hại của thuốc) thì phải đi tái khám bác sĩ ngay.
PGS.TS. NGUYỄN HỮU ĐỨC (Đại học Y Dược TP.HCM)