Cẩn trọng bị lừa đảo với dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, mua vé ca nhạc trên mạng

02-12-2024 15:35 | Xã hội
google news

Sáng 2/12, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cảnh báo lừa đảo liên quan đến dịch vụ cấp đổi hộ chiếu, chiếm đoạt tiền, thông tin cá nhân trên mạng; lừa đảo bán vé xem các chương trình ca nhạc đang thu hút sự quan tâm của công chúng.

Cụ thể, lợi dụng một bộ phận người dân chưa thông thạo về công nghệ thông tin, gặp khó khăn trong việc tự nộp hồ sơ trực tuyến, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang, hội nhóm "cò mồi" làm hộ chiếu (passport) nhanh. Việc sử dụng các dịch vụ trên mạng được cảnh báo là tiềm ẩn nhiều nguy cơ chiếm đoạt thông tin cá nhân, mang đến nhiều hệ lụy khó lường.

Hiện nay, thủ tục cấp, cấp đổi hộ chiếu được thực hiện trực tuyến (online). Mặc dù có đầy đủ thông tin, hướng dẫn thực hiện trên mạng, tuy nhiên các thao tác làm thủ tục không dễ thực hiện với nhiều người.

Nắm bắt được nhu cầu người dân ngại thực hiện các thủ tục khi đi làm hộ chiếu, đặc biệt hạn chế trong các thao tác làm hộ chiếu trực tuyến trên Cổng thông tin dịch vụ công, nhiều đối tượng đã tạo lập trang thông tin (web) giả mạo quảng cáo dịch vụ làm hộ chiếu online. Với những lời quảng cáo hấp dẫn như: Làm passport chưa bao giờ dễ dàng đến thế; hồ sơ được gửi về tận nhà chỉ cần cung cấp thông tin và file ảnh; không phải xếp hàng, không chen lấn; nhận làm hộ chiếu trực tuyến ở 63 tỉnh, thành phố...

Ngoài ra, trên mạng xã hội, đối tượng cũng sẽ tạo các hội nhóm mang tên "Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh", "Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội", "Hộ chiếu Nhanh (Passport) Visa - Xuất nhập cảnh Việt Nam"... thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm và để lại bình luận. Đáng nói, mặc dù được chào với mức chi phí cao hơn rất nhiều lần so với mức phí theo quy định của Nhà nước, nhiều người vẫn chọn nhờ dịch vụ làm hộ chiếu.

Chị Trần Thanh Huyền (huyện Thạch Thất, Hà Nội) sau nhiều lần thử thao tác kê khai hồ sơ cấp đổi hộ chiếu trực tuyến không thành công, đặc biệt phần ảnh chụp luôn bị từ chối dịch vụ, chị Thanh Huyền đã phải dùng dịch vụ làm hộ chiếu theo thông tin trên Facebook. Chị Thanh Huyền chia sẻ: "Tôi chỉ đề cập đến việc cần làm hộ chiếu khi trao đổi với mọi người, trên trang cá nhân Facebook của tôi hiển thị hàng loạt quảng cáo dịch vụ làm hộ chiếu. Đáng nói, sau khi tôi dùng dịch vụ, nộp tiền, nộp ảnh và cung cấp đầy đủ thông tin, hơn 3 tháng sau tôi vẫn chưa nhận được hộ chiếu. Mỗi lần liên hệ, bên dịch vụ lại nói những lý do khác nhau và yêu cầu đợi. Việc này làm tôi vô cùng hoang mang, tiền thì đã chi trả rồi nhưng chẳng biết bao giờ nhận được hộ chiếu".

Cục An toàn thông tin cảnh báo, một số kẻ xấu đã lợi dụng dịch vụ làm giúp hộ chiếu để đánh cắp các thông tin của cá nhân như: Ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, e-mail, địa chỉ thường trú, mã xác thực một lần OTP... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng. Sau đó, kẻ xấu dùng tài khoản này để lừa đảo vay tiền của người thân, bạn bè, chiếm đoạt toàn bộ thông tin cư trú cá nhân của nhiều người trong ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan Công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không sử dụng các "dịch vụ online" trên các mạng xã hội; không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc.

Với trường hợp người dân bị lừa đảo khi mua vé xem Chương trình Anh trai "Say Hi" trên các nền tảng mạng xã hội, chuyên gia an toàn thông tin phân tích, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia hoặc tạo những hội nhóm trao đổi, bán lại vé (pass) vé nhằm thu hút người dùng. Ngoài ra, đối tượng còn tung ra nhiều chiêu thức như tạo ra vé giả với hình thức tương tự như vé thật và rao bán với giá thấp hơn so với giá thị trường.

Do được thiết kế giống vé thật nên người mua thường không phát hiện ra cho đến khi không thể sử dụng vé để cửa vào sự kiện. Thậm chí, một số đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc trước với lý do "đảm bảo giữ vé", sau đó biến mất và không cung cấp vé. Bên cạnh đó, một số đối tượng quảng cáo vé ưu tiên (VIP) hoặc các gói dịch vụ đặc biệt mà thực chất là không tồn tại nhằm dụ dỗ người mua với các lợi ích, giá trị không có thật.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi thực hiện mua hoặc mua lại vé xem chương trình ca nhạc, sự kiện; Chỉ nên tuân thủ đúng quy định về mua bán vé theo kênh phân phối của Ban Tổ chức. Trường hợp sang nhượng, trước khi giao dịch, người dân cần kiểm tra độ uy tín của người bán, không vội vàng chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực của giao dịch; Ưu tiên các hình thức thanh toán, giao dịch trực tiếp để có thể xác định được sự uy tín của tấm vé, tránh bị trục lợi. Với các sự kiện lớn, người dân theo dõi những thông tin trên kênh bán vé chính thống, không theo dõi những thông tin được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo.


Theo TTXVN/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn