Lứa tuổi dậy thì và vị thành niên, cả trẻ nam và nữ đều có sự chuyển biến rất lớn về tâm lý, muốn khám phá mình và bạn khác giới. Một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn là trẻ vị thành niên đã không được quan tâm đúng mức trong việc giáo dục về sức khỏe giới tính. Bên cạnh những kiến thức giáo dục về giới tính còn chung chung trong nhà trường thì rất nhiều các bậc cha mẹ không quan tâm hoặc dè dặt trong việc trao đổi với con cái về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Do đó, hầu hết các em chưa được trang bị thông tin và kỹ năng sống liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, là nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến phải nạo phá thai. Tuy nhiên, phần lớn các em lại không ý thức được rằng, việc nạo phá thai có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và tương lai, thậm chí, nhiều em cho đó chỉ là thủ thuật nhỏ, không ảnh hưởng gì,...
Để giải quyết vấn đề mang thai ở tuổi vị thành niên, điều quan trọng nhất vẫn là truyền thông giáo dục, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số - nơi trẻ vị thành niên còn khó tiếp cận các thông tin, dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân;...
Gia đình, nhà trường và xã hội cần có sự kết nối chặt chẽ để giáo dục về sức khỏe sinh sản, tình dục cho trẻ vị thành niên. Các em cần được cung cấp những kiến thức về: Sự phát triển tâm sinh lý, tình bạn, tình bạn khác giới; tình yêu - tình dục; phòng tránh thai, phá thai và những hậu quả của nạo phá thai; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS,... Cha mẹ cần trò chuyện với con về những thay đổi tâm sinh lý trước khi bước vào tuổi dậy thì cũng như khuyến khích các con tìm hiểu những kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản qua tài liệu, sách báo,... Sự chăm sóc, quan tâm, giải thích tâm sự về tuổi mới lớn của cha mẹ đối với con cái mình không chỉ thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc mà còn cung cấp cho con những kiến thức cần thiết về cơ thể mình, giúp trẻ tránh được những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.
Cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về sức khỏe sinh sản bằng nhiều hình thức. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phát huy vai trò của các cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng để tác động giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn, mang thai ngoài ý muốn cũng như tuyên truyền để gia đình các em hiểu được trong trường hợp mang thai ngoài ý muốn, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, can thiệp an toàn nhằm hạn chế các tai biến do nạo phá thai gây nên.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa