Nhu cầu cấp thiết đào tạo về ngành Dinh dưỡng
Dinh dưỡng viên (DDV) được xác định là một chức danh nghề nghiệp, thực hiện chuyên môn nghiệp vụ như xây dựng chế độ ăn và tiến hành các can thiệp dinh dưỡng điều trị, truyền thông và giáo dục dinh dưỡng, … Các công việc này đòi hỏi kiến thức và kỹ năng chuyên ngành sâu và chuyên môn về khoa học thực phẩm.
Sàng lọc yếu tố nguy cơ, tư vấn, chỉ định chế độ ăn/uống cho người bệnh ngoại trú; khám, chẩn đoán, đánh giá, chỉ định điều trị và theo dõi tình trạng cho người bệnh nội trú… là các hoạt động không thể thiếu trong bệnh viện.
Với các hoạt động này thì cơ cấu tổ chức, chuyên môn phải cần một lực lượng rất lớn cử nhân ngành Dinh dưỡng. Do vậy, đào tạo trình độ đại học là tiền đề quan trọng để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay.
Thiếu hụt nhân sự về ngành Dinh dưỡng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số số lượng DDV/100.000 dân đã được xác định là một trong các chỉ số đo lường mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu. Từ đó cho thấy vai trò của ngành này trong năng lực đáp ứng các mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế.
Theo báo cáo khảo sát ở 42 nước của Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội dinh dưỡng (ICDA) năm 2016, số lượng DDV/100.000 dân tại Nhật Bản khoảng 39/100.000 dân, Mỹ khoảng 23/100.000 dân, Philippin khoảng 1/100.000 dân và Indonesia khoảng < 1/100.000 dân. 34/42 nước tham gia khảo sát cho biết trình độ tối thiểu của các nhân sự ngành được đào tạo phải là Cử nhân đại học.
Tại Việt Nam, DDV đã được xác định là một nghề và được quy định các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Theo thông tư 18/2020/TT-BYT, mỗi 100 giường bệnh cần có tối thiểu 1 cán bộ chuyên môn về dinh dưỡng.
Theo đó, Việt Nam cần tối thiểu hơn 2.000 nhân sự ngành để có thể đáp ứng nhu cầu cho hệ thống các bệnh viện. Số lượng này chưa kể nhu cầu nhân lực tại các đơn vị trong hệ thống y tế dự phòng, các phòng tư vấn, đơn vị sản xuất – chế biến – kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, các trường Đại học, các viện nghiên cứu khác và các tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Hệ thống đào tạo Dinh dưỡng tại Việt Nam
Tính đến năm 2021, cả nước có 10 trường đại học đủ điều kiện và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh và đào tạo mã ngành Cử nhân dinh dưỡng hệ chính quy. Ngoài ra, hệ cử nhân chính quy, một số trường đại học cũng đã bắt đầu tổ chức tuyển sinh và đào tạo cử nhân dinh dưỡng hệ vừa làm vừa học khi đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, Chương trình đào tạo Cử nhân Dinh dưỡng hệ vừa làm vừa học rất quan trọng và kịp thời để nâng cao chất lượng hệ thống nhân lực DDV hiện nay. Vì hầu hết các nhân sự đang làm công tác tiết chế dinh dưỡng tại bệnh viện là do bác sĩ, điều dưỡng thực hiện khi chưa có nguồn cử nhân được đào tạo.
Trường Đại học Y tế công cộng là một trong số ít các trường đại học hiện nay đã thực hiện tuyển sinh và đào tạo cả hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học cử nhân ngành này. Sau khi tốt nghiệp đại học, cử nhân có thể tiếp tục học lên các chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ.
Đào tạo cử nhân dinh dưỡng theo hướng hiện đại
Với phương châm đào tạo tối đa hóa thời gian thực hành, tiếp cận với cơ sở thực địa, nâng cao kỹ năng cho sinh viên, qua bề dày kinh nghiệm và uy tín của một cơ sở đào tạo các chuyên ngành Khoa học sức khỏe, Chương trình đào tạo Cử nhân dinh dưỡng của Trường Đại học Y tế công cộng đã được xây dựng cập nhật, tiến tiến, hiện đại. Cơ sở vật chất đào tạo khang trang, giáo trình và chương trình học hiện đại, tiên tiến, đội ngũ giảng viên có chất lượng, giàu tâm huyết.
Chương trình gắn với quá trình thực tập nghề gồm 6 đợt, tổng thời gian 38 tuần học, tại các bệnh viện, Trung tâm y tế,… Quá trình thực tập là điều kiện quan trọng để sinh viên xây dựng, rèn luyện và thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chính quy, chất lượng cao cho ngành Dinh dưỡng là một quá trình lâu dài và thách thức, đặc biệt là trình độ đại học là rất quan trọng, đặt nền móng vững chắc về kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Quá trình này đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần liên tục nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, giáo trình, cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến. Đây cũng là mục tiêu hướng tới của Chương trình đào tạo Cử nhân chính quy Dinh dưỡng của Trường Đại học Y tế công cộng.