Hà Nội

Cần tìm hướng đi mới trong xử lý rác thải ở Bắc Giang

27-05-2019 12:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nay, phương pháp xử lý rác thải tại Việt Nam đa phần được xử lý theo kiểu chôn lấp, ủ phân hữu cơ gây lãng phí tài nguyên, quỹ đất, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường. Tại tỉnh Bắc Giang, quá trình đô thị hóa cũng đã và đang kéo theo lượng rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp tăng cao, đòi hỏi cần áp dụng công nghệ xử lý rác mới thay thế cho biện pháp chôn lấp như hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường và sức khỏe cho nhân dân.

Bất cập bãi chôn lấp rác tập trung

Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước với nhiều dự án trọng điểm để phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời hướng đến mô hình đô thị mới xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường. Tại thành phố Bắc Giang, hoạt động thu gom, xử lý rác thải được thực hiện tại bãi rác Đa Mai, được quy hoạch và xây dựng từ tháng 4-2003 trên địa bàn xã Đa Mai, khu Đồng Rải, phường Đa Mai. Bãi rác này có tổng diện tích gần 25 ha, trong đó có 6,5 ha được thiết kế xây dựng theo phương pháp chôn lấp rác hợp vệ sinh, tuân thủ  đúng hướng dẫn tại thông tư liên tịch giữa Bộ Khoa học công nghệ & môi trường và Bộ Xây dựng ban hành năm 2001 đang được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Được biết, kể từ ngày đi vào hoạt động đến nay, Công ty Cổ phần quản lý đô thị Bắc Giang (QLCTĐTBG) đã điều hành việc thu gom và xử lý rác tại bãi rác Đa Mai khá hiệu quả. Mỗi năm, nơi đây tiếp nhận và xử lý từ 40 đến 50 nghìn tấn rác thải các loại.Các biện pháp chống ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, xử lý nước thải và chống ô nhiễm không khí tại đây được tiến hành đúng quy trình nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

Việc chôn lấp rác hiện nay cần quỹ đất rất lớn để thực hiện

Mặc dù vậy, lượng rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp đang ngày một tăng cao trên địa bàn đã và đang tạo nên nhiều thách thức mới đòi hỏi diện tích đất lớn hơn, thời gian tiêu hủy lâu hơn và cần công nghệ xử lý hiện đại hơn. Việc xử lý bằng phương pháp chôn lấp hiện đang áp dụng tại bãi rác Đa Mai đã dần bộc lộ những bất cập như không hạn chế được mùi hôi thối, lượng chuột bọ nhiều có nguy cơ truyền dịch bệnh từ rác tăng cao...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc công ty QLCTĐTBG cho biết, những năm qua, công ty đã nỗ lực vận hành tất cả các hạng mục của bãi rác theo đúng quy trình, quy định như xử lý rác gọn trong ngày, hố chôn rác được rải vải địa chống thấm, rác được phun chế phẩm EM, đậy bạt, lấp đất, trồng cây xanh bao quanh các hố chôn lấp,  phun thuốc diệt ruồi muỗi và xử lý nước rỉ bằng phương pháp hóa học.... Kết quả quan trắc cho thấy các mẫu khí đều nằm trong giới hạn cho phép, công nhân của công ty sinh hoạt bình thường ngay tại trụ sở của Đội xử lý (nằm trong khu vực bãi rác) và dòng nước ngòi Đa Mai vẫn được người dân phường Đa Mai dùng để tưới tiêu, canh tác và nuôi trồng thủy sản.

Cần có phương pháp đốt rác triệt để

Tuy nhiên, để xử lý triệt để những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động xử lý rác, vừa qua, công ty QLCTĐTBG đã tham mưu với tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng về việc chuyển đổi xử lý rác thải sang phương pháp đốt rác bằng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả của việc quản lý rác thải sinh hoạt, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Song việc áp dụng phương pháp đốt cũng đang được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi cả nước hiện chỉ có 35 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đang hoạt động, đa phần có công suất thấp trung bình và sử dụng công nghệ đốt lạc hậu, công suất nhỏ, khí thải phát sinh chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Công nhân vệ sinh xe ô tô thu gom rác

Ông Nguyễn Trung Trực, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Bắc Giang cho biết, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy xử lý rác thải thành phố Bắc Giang. Hiện nay đang tiến hành triển khai các bước chuẩn bị đầu tư như lập quy hoạch chi tiết, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tham vấn cộng đông dân cư về quy hoạch...

Nếu được xây dựng Nhà máy sẽ áp dụng công nghệ đốt rác phát điện đang được một số tỉnh, thành phố áp dụng hiệu quả như Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, Nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn, Thừa Thiên Huế…Dự kiến nhà máy sẽ có công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, đồng thời tạo ra nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Tỷ lệ chôn lấp còn lại sau xử lý 5%. Khí thải được xử lý đảm bảo theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Có hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và công khai kết quả quan trắc tại địa điểm thực hiện dự án để nhân dân giám sát. Nước thải được xử lý và tuần hoàn sử dụng không xả ra môi trường.

Hệ thống xử lý nước rỉ rác được tiến hành quan trắc thường xuyên

Với dự án này, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng địa bàn bãi rác Đa Mai hiện nay cũng như tổ chức đoàn công tác bao gồm các cơ quan chức năng và đại diện nhân dân phường Đa Mai đi tham quan mô hình và hiệu quả hoạt động của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ do Công ty China Everbright International đầu tư với hệ thống máy móc, công nghệ đạt tiêu chuẩn châu Âu 2010. Trong cuộc họp xin ý kiến nhân dân ngày 13 - 5 - 2019, hầu hết các đại diện nhân dân tại khu vực lập quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy đều cơ bản đồng ý với phương án quy hoạch. Tuy nhiên, các đại biểu đều đề nghị khi nhà máy đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cần có chế tài giám sát chặt chẽ khí thải, rác thải phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường. Nhà máy phải bảo đảm về cự ly với khu dân cư, các tiêu chuẩn quy chuẩn về tiếng ồn, khí thải nước thải theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng, đây là một hướng đi đúng cho việc xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường và tạo nền tảng cho việc phát triển bền vững tại một địa phương đang có thế mạnh đa dạng như Bắc Giang. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, chính quyền tỉnh Bắc Giang cũng như các cơ quan chức năng cần thực hiện đúng các quy định về quản lý và điều hành hoạt động thu gom rác cho dự án. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giải thích đối với nhân dân trong khu vực dự án và quan tâm giải quyết những nguyện vọng chính đáng của người dân vùng dự án, tạo sự đồng thuận cao giữa chính quyền, nhân dân và nhà đầu tư.


Phạm Vân Anh
Ý kiến của bạn