Hà Nội

Cần tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ ngay khi sinh ra, vì sao?

07-04-2020 10:58 | Đời sống
google news

SKĐS - Nước ta là quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ em.

Chính vì vậy, tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau khi sinh nhằm mục đích phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con là chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)...

Viêm gan B là một bệnh gây ra sưng tấy và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do virus viêm gan B. Trên thế giới, ước tính có khoảng hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao, đặc biệt, tỷ lệ mang virus viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.

Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.

Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh là biện pháp phòng bệnh tốt nhất.

Các đường lây truyền virus viêm gan B

Lây từ mẹ sang con (chu sinh): trẻ sơ sinh là nguồn nhiễm virus viêm gan B chủ yếu ở nhiều nước trên thế giới. Lây truyền virus từ mẹ sang con trong lúc sinh rất dễ dàng. Nếu mẹ có HBsAg và HBeAg thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu mẹ chỉ mang HBsAg thì khoảng 10% trẻ bị nhiễm. Lây truyền trong bào thai rất hiếm xảy ra, ước tính khoảng dưới 2% trong hầu hết các nghiên cứu. Chưa có bằng chứng cho thấy virus viêm gan B lây truyền qua đường nuôi con bằng sữa mẹ.

Lây truyền từ trẻ qua trẻ: Lây truyền thường xảy ra ở nhà, bệnh viện nhi, trường học và nhà trẻ. Cơ chế lây truyền từ trẻ qua trẻ có thể liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu hay dịch tiết của vết thương. Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt thông qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da và cũng như qua sự nhai thức ăn trước cho trẻ. Bên cạnh đó, virus có thể lây qua khi dùng chung khăn lau hay bàn chải đánh răng bởi vì virus có thể tồn tại ít nhất 7 ngày bên ngoài cơ thể và có thể được tìm thấy trên những vật dụng hằng ngày.

Lây truyền qua tiêm chích và truyền máu: tiêm không an toàn là đường lây truyền chủ yếu của virus viêm gan B và những bệnh khác (viêm gan C, HIV) trên nhiều quốc gia. Ngoài ra, ở nhiều nước, nơi mà truyền máu không được kiểm tra, cũng dễ lây truyền virus viêm gan B.

Lây truyền qua quan hệ tình dục: khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể.

Vì sao cần thiết tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh?

Trong giai đoạn mang thai, rất hiếm xảy ra lây truyền từ mẹ sang con. Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Ở thời điểm này, khi tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau bám cũng bị co thắt có thể giúp máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con (bình thường, máu mẹ và máu con không tiếp xúc nhau mà chỉ trao đổi chất tại bánh nhau) hoặc khi trẻ chui qua ống âm đạo của mẹ, sự lây truyền sẽ diễn ra trong thời điểm này. Virus có thể truyền sang trẻ khi tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm trong gia đình, người chăm sóc.

Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh nhằm mục đích phòng chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Đây là chiến lược của WHO và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong phòng chống bệnh viêm gan B. Việc tiêm vắc-xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao. Hiệu quả phòng bệnh của vắc-xin viêm gan B đối với trẻ em giảm rõ rệt từng ngày sau khi sinh:

- Tiêm  vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ phòng được 85-90% lây truyền từ mẹ sang con;

- Tiêm vắc-xin viêm gan B ngày hôm sau (48 giờ) giảm 50-57%  mỗi ngày;

- Sau 7 ngày không có giá trị phòng bệnh.

90% trẻ bị nhiễm lúc dưới 1 tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và là nguồn lây chủ yếu của cộng đồng; trong khi nhiễm lúc 1-4 tuổi thì 40% trở thành mắc bệnh mạn tính. Vì vậy, ngay cả các quốc gia đã phát triển cũng thực hiện tiêm vắc-xin viêm gan B lúc sơ sinh. Chưa kể hàng nghìn trẻ xơ gan, ung thư gan và tử vong trong 1 năm mà 90% không có biểu hiện lâm sàng, là nguồn lây nhiễm rất lớn cho cộng đồng.


BS. Ánh Hồng
Ý kiến của bạn