Cần “thuốc” đặc trị

14-04-2015 22:13 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ đang ngày càng gia tăng với tính chất phức tạp và nghiêm trọng.

Thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ đang ngày càng gia tăng với tính chất phức tạp và nghiêm trọng. Phần lớn các vụ chống người thi hành công vụ xảy ra khi lực lượng công an và các lực lượng thực thi nhiệm vụ khác kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm và truy bắt đối tượng phạm tội. Đáng báo động, độ tuổi của các đối tượng chống lại người thi hành công vụ ngày càng có xu hướng trẻ hóa với những hành vi ngày càng manh động, liều lĩnh và nguy hiểm.

Một trường hợp chống người thi hành công vụ, đe dọa cảnh sát giao thông.

Gia tăng về số vụ và mức độ

Mới nhất, vào ngày 13/4, Cơ quan công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết đang tạm giữ hai anh em ruột Lê Tấn Thuận (27 tuổi) và Lê Tấn Tỉnh (25 tuổi, cùng ngụ huyện Trảng Bom) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó, tổ tuần tra giao thông Công an huyện Trảng Bom phát hiện Tỉnh điều khiển xe máy chở theo phía sau một học sinh không đội mũ bảo hiểm nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Khi xuống xe, Tỉnh không xuất trình được giấy tờ xe, giấy tờ tùy thân nên đã gọi điện thoại cho người thân mang giấy tờ đến. Khi tổ tuần tra đang lập biên bản thì Tỉnh bất ngờ nổ máy xe bỏ chạy nhưng bị lực lượng công an giữ lại, cùng lúc đó, Thuận mang giấy tờ xe đến xuất trình cho cơ quan công an. Khi công an đang kiểm tra giấy tờ thì bất ngờ Tỉnh đã giật dây điện và ống dẫn xăng của xe máy, đồng thời lấy bật lửa với ý định đốt xe của mình. Phát hiện sự việc, Trung úy Trần Văn Hữu nhanh chóng ngăn chặn, đẩy Tỉnh ra thì bị Thuận đứng phía sau bất ngờ dùng tay đấm bị thương, chảy máu. Chưa dừng lại ở đó, hai anh em Tỉnh và Thuận còn chửi bới, lăng mạ lực lượng làm nhiệm vụ, cởi hết quần áo, hô hào. Tuy nhiên, hai anh em Tỉnh và Thuận nhanh chóng bị lực lượng chức năng khống chế, bắt giữ.

Trước đó, vào chiều ngày 12/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Tri Tôn, An Giang cho biết đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ” và tạm giữ hình sự 16 đối tượng, hiện đang tiếp tục sàng lọc và truy xét nhiều đối tượng khác trong vụ 40 đối tượng côn đồ dùng mã tấu, gậy, xăng  tấn công lực lượng chức năng bảo vệ công trình… Theo điều tra ban đầu, vào sáng 10/4, tại ấp Cà Nà, xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, Công ty Nông Trại Xanh tiến hành thi công theo dự án sản xuất nông, lâm nghiệp kết hợp tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn. Khi công trình đang tiến hành thi công thì xuất hiện khoảng 40 đối tượng ra chiếm đất, ngăn cản, dùng gậy, lưỡi hái, mã tấu, chai đựng xăng… tấn công lực lượng bảo vệ thi công gồm công an, dân quân xã, dân phòng và các đoàn thể… gây cảnh náo loạn. Nhiều đối tượng hung tợn đã xông thẳng vào lực lượng bảo vệ, tấn công manh động khiến nhiều người bị thương.

Manh động hơn là vụ việc đối tượng Nguyễn Thế Cường trong tình trạng ngáo đá đã cầm theo 2 con dao nhọn vào quán internet khống chế, đe dọa những người trong quán. Khi lực lượng Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội có mặt tại hiện trường, Cường tiếp tục chửi bới và bất ngờ lao đến dí hai lưỡi dao vào cổ một chiến sĩ Công an phường Thanh Trì đe dọa giết chết. Cơ quan CSĐT - Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thế Cường để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ và đe dọa giết người.

Không để coi thường pháp luật

Thực tế từ các vụ việc cho thấy, hành vi chống người thi hành công vụ của các đối tượng đang ngày càng rõ nét, thể hiện sự chủ động, trắng trợn và có chuẩn bị trước. Thiếu tá Luyện Huy Hoàng - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Q. Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chống người thi hành công vụ cũng xuất phát từ nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, chấp hành pháp luật không nghiêm. Thực tế này đặt ra yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là quyền và nghĩa vụ của công dân. Ngoài ra, về phía lực lượng thi hành công vụ cũng phải điều chỉnh cách thức giao tiếp, ứng xử để có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa người thực thi pháp luật và người vi phạm… Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, chống người thi hành công vụ dù với bất cứ lý do gì cũng là hành vi coi thường pháp luật. Do đó, các cơ quan chức năng cần có xử lý nghiêm, tránh để tình trạng nhờn luật.

Theo luật sư Nguyễn Minh Long - Đoàn Luật sư Hà Nội, ranh giới tội chống người thi hành công vụ giữa việc áp dụng theo Điều 257 Bộ luật Hình sự hay xử lý vi phạm hành chính là điều cần làm rõ. Nhiều người còn mơ hồ đã dẫn đến hệ quả là phạm tội…Trong thực tiễn, các vụ chống người thi hành công vụ cũng chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ mới bị xử lý bằng hình sự. Còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính. Những diễn biến phức tạp của tình trạng chống người thi hành công vụ đang khiến dư luận bức xúc, lo ngại bởi khi một bộ phận người dân vì lợi ích cá nhân, cục bộ còn có tâm lý coi thường pháp luật sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội.

La Phong

 

 


Ý kiến của bạn