“Chủ đầu tư phải tập trung vào xử lý vết nứt, thuê 1 tư vấn độc lập để đánh giá lại nguyên nhân và theo dõi diễn biến của vết nứt ở trụ cầu, tìm nguyên nhân và kết luận có đảm bảo an toàn không?” – Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Chiều nay, 26/2, trước diễn biến mới của vết nứt tại trụ cầu T22 cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp xuống hiện trường xem xét thực tế vết nứt tại vị trí trên thân trụ cầu.
Báo cáo với Bộ trưởng Xây dựng ngay tại chân công trình, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, vết nứt đã xuất hiện từ năm 2010. Đơn vị quản lý đã báo cáo, Sở đã phối hợp với đơn vị thiết kế và các chuyên gia theo dõi.
Sau mùa lũ năm 2013, vết nứt trên thân trụ T22 không có diễn biến mới. Đơn vị quản lý ề nghị với Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) có các giải pháp can thiệp. TEDI nhấn mạnh thông tin, các trụ cầu từ T18 đến T21 không bị nứt bê tông theo phương dọc, ngang.
Riêng trụ T22 xuất hiện vết nứt dọc tim trụ theo phương thẳng đứng, ở cả 2 phía. Chiều rộng vết nứt chỗ lớn nhất là 2mm, dài khoảng10 m ở cả hai phía trụ. Tại vết nứt này, đơn vị giám định độc lập đã tiến hành siêu âm, kiểm tra. Dọc 2 bên vết nứt còn nhiều vết mỡ bôi để chạy máy siêu âm.
Ngoài ra, không chỉ trụ T22 mà còn các trụ T23, T24. Trong đó, trụ T23 xuất hiện vết nứt dài 2-3m. Còn trụ T24 bị nứt ở phía hướng về quận Long Biên với chiều rộng nhỏ hơn.
Đơn vị tư vấn cũng đề xuất hướng khắc phục là bơm keo trám kín khe nứt nhằm ngăn chặn ảnh hưởng môi trường bên ngoài đến cốt thép chịu lực và tiếp tục theo dõi diễn biến của vết nứt sau khi khắc phục.
Sau khi nghe các bên liên quan báo cáo tình hình về diễn biến của vết nứt, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo chủ đầu tư cây cầu (Ban Quản lý Dự án Tả Ngạn) phải tập trung vào xử lý vết nứt. Bộ trưởng yêu cầu thuê một đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá lại nguyên nhân và theo dõi diễn biến của vết nứt này, tìm ra nguyên nhân và kết luận rõ ràng công trình có đảm bảo an toàn không?
Một câu hỏi khác Bộ trưởng Xây dựng nhắc phải trả lời nghiêm túc là kết luận việc xuất hiện vết nứt trên trụ có ảnh hưởng đến khả năng chịu tải và tuổi thọ công trình không?
Tư vấn để kiểm định chất lượng độc lập theo Bộ trưởng Xây dựng, có thể là tư vấn trong nước hoặc tư vấn nước ngoài nhưng nhất định phải là đơn vị có năng lực, kinh nghiệm.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành Xây dựng cũng yêu cầu phải kiểm tra toàn tuyến, tất cả các trụ, kiểm tra tình trạng chung xem có những xuất hiện những bất thường ở các hệ thống chịu lực của cầu, chẳng hạn như dầm hay không.
“Phải đặt vấn đề an toàn công trình lên trước hết, là số một, vì nó liên quan đến việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân cũng như yêu cầu yên lòng dân. Người dân phải được yên tâm khi lưu thông trên cầu” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Việc kiểm tra đối với cầu Vĩnh Tuy này, ông Dũng xác nhận, cần có thời gian để việc đánh giá thật cẩn thận, chắc chắn. Cùng với đó, Bộ trưởng gợi ý, có thể cử một đoàn công tác đi nước ngoài xem xét những cầu có hiện tượng tương tự. Theo ông Dũng, đa số các trường hợp cầu bị phá hủy hiện nay trên thế giới chủ yếu do những tác động bên ngoài, những va chạm theo phương ngang như động đất, sóng thần, tàu bè va phải, hiếm có trường hợp do tải trọng nén dọc trụ cầu.
Nhận định những vết nứt ở cầu Vĩnh Tuy không phải vấn đề quá lo lắng nhưng Bộ trưởng Xây dựng vẫn nhắc lại yêu cầu thận trọng, làm hết trách nhiệm để đảm bảo an toàn tuyệt đối với công trình.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội tiến hành rà soát toàn bộ các cầu trên địa bàn thành phố, kể cả các cầu không phải do Ban Quản lý Tả Ngạn làm chủ đầu tư. Theo báo cáo, các cầu trên địa bàn Hà Nội nói chung là an toàn nhưng cũng không thể chủ quan vì từ một sơ suất nhỏ, có thể từ yếu tố những cái nằm ngoài chủ quan cũng có thể gây sự cố.
Liên hệ đến vụ đứt cầu treo tại Lai Châu gây hậu quả rất nặng nề vừa qua, một lần nữa, Bộ trưởng Xây dựng nhắc nhở về tinh thần cảnh giác, cẩn trọng và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn của các cây cầu được xây dựng.