Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên

03-09-2023 14:12 | Xã hội

SKĐS – Tại Cần Thơ, số liệu giám sát phát hiện năm 2022 cho thấy nhiễm HIV có dấu hiệu tăng trong nhóm MSM, đặc biệt trong nhóm tuổi rất trẻ (16-25 tuổi). Đối tượng học sinh/sinh viên chiếm tỷ lệ cao và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục…

Nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm MSM, đặc biệt trong nhóm tuổi rất trẻ

Theo số liệu giám sát của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) cho thấy, dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 12,5% năm 2022).

Đáng lưu ý, số MSM chiếm khoảng 44,3% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2022, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16 -29 tuổi chiếm 44,2%, bao gồm học sinh, sinh viên và công nhân, người lao động trẻ. Trong khi đó, kiến thức, thái độ và thực hành về các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) và HIV của nhóm thanh niên còn hạn chế và thực trạng tiếp cận các dịch vụ của sinh viên còn thấp.

Riêng với Cần Thơ, số liệu giám sát phát hiện năm 2022 cho thấy nhiễm HIV có dấu hiệu tăng trong nhóm MSM (chiếm gần 2/3 số trường hợp nhiễm HIV phát hiện được hàng năm), đặc biệt trong nhóm tuổi rất trẻ (16-25 tuổi).

Đối tượng học sinh/sinh viên chiếm tỷ lệ cao (17,2%) và lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục chiếm 97,6%.

Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở học sinh, sinh viên

Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên - Ảnh 1.

CDC Cần Thơ, Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) phối hợp với Đại học Cần Thơ tổ chức sự kiện SAFE-UNI Festival - Tự hào Sắc màu mới đây đã sự thu hút tham gia học sinh, sinh viên của 13 trường ĐH-CĐ ở Cần Thơ với các hoạt động và tiết mục đặc sắc, hấp dẫn và tràn ngập sắc màu.

Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên - Ảnh 2.

Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên - Ảnh 3.

Để ứng phó, chiến lược tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở học sinh - sinh viên của các trường, là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Cần Thơ trong những năm tiếp theo, nhằm cung cấp cho các em kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để biết phòng tránh lây nhiễm HIV, đồng thời có những thông tin chính xác về các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị HIV nếu không may nhiễm HIV.

Ông Dáp Thanh Giang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Cần Thơ cho biết: Hoạt động truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng là một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình dự phòng lây nhiễm HIV mà CDC Cần Thơ đang hướng đến.

Cụ thể, trong năm 2022, CDC Cần Thơ đã duy trì mạng lưới tiếp cận viên tại 13 trường đại học, cao đẳng với 62 cộng tác viên là những cán bộ đoàn thanh niên, hội sinh viên, trưởng nhóm câu lạc bộ chủ chốt tại các trường.

Về phía các nhà trường, tổ chức truyền thông HIV/AIDS, xây dựng các góc truyền thông về HIV/AIDS; thường xuyên đăng tải các nội dung kiến thức HIV, tình dục an toàn, PrEP, ARV trên các website, fanpage; định kỳ truyền thông một số nội dung như: kiến thức chung về HIV (đường lây, nhóm đối tương, hành vi nguy cơ…), hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, cập nhật Luật Phòng, chống HIV/AIDS, tư vấn xét nghiệm HIV, một số dịch vụ dự phòng HIV…

Trong chiến lược dự phòng và giảm thiểu lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm học sinh - sinh viên năm 2023, mới đây, CDC Cần Thơ, Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) phối hợp với Đại học Cần Thơ tổ chức sự kiện SAFE-UNI Festival - Sắc Màu Tự Hào (Color of Me) với sự tài trợ của PEPFAR thông qua dự án Hỗ trợ địa phương phát triển và cung cấp dịch vụ về HIV và chăm sóc sức khỏe hiệu quả, thích ứng và bền vững (dự án USAID/LADDERS).

Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên - Ảnh 4.

Diễu hành Yêu an toàn - Tự hào sắc mùa với sự tham gia của các vị khách quý (đại diện Cục VAAC, TW Đoàn TNCS HCM, CDC Cần Thơ, ĐH Cần Thơ, Trung tâm LIFE, ...) và gần 1000 các bạn sinh viên ĐH-CĐ ở Cần Thơ.

Thạc sĩ Nguyễn Nguyên Như Trang – Giám đốc Trung tâm LIFE nhấn mạnh: Sự kiện SAFE-UNI Festival Cần Thơ lần này là một hoạt động lớn nhất từ trước đến giờ, mang tính dấu mốc, giúp các bạn sinh viên giao lưu kết nối, tự tin thể hiện màu sắc bản thân, học hỏi những kiến thức liên quan đến HIV, STIs, PrEP, tình dục an toàn và kết nối với những dịch vụ sức khỏe HIV/AIDS cộng đồng tại địa phương. Đồng thời, hoạt động này cũng là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật, phát triển cộng đồng cho CDC và các tổ chức cộng đồng tại Cần Thơ của dự án Trung tâm LIFE.

Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên - Ảnh 5.

Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên - Ảnh 6.

'Vẽ màu hạnh phúc' là khu vực thu hút sự tham gia của rất nhiều các bạn sinh viên Cần Thơ. Các bạn tự do sáng tạo, thể hiện ước mơ và niềm tự hào của mình qua những hình vẽ và ý tưởng hoạ hình. Nhiều bạn tô hình cầu vồng, tôn vinh sự đa dạng và cộng đồng LGBTIQ+. Thêm vào đó, đa số các bạn trẻ tham gia SAFE-UNI FESTIVAL Cần Thơ đều ký tên cam kết “YÊU AN TOÀN”.

Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên - Ảnh 7.

Phần thi ‘Rung Chuông Vàng’ đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích về phòng chống HIV/AIDS, một cách sáng tạo và hấp dẫn với các bạn trẻ dưới hình thức sân khấu hóa thi đấu.

Tại buổi giao lưu, ThS.BS Cao Kim Thoa - Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 cũng đã xác định nhóm người trẻ và đặc biệt là nhóm MSM là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV và STIs. Cách tiếp cận nhóm quần thể này khó hơn các nhóm quần thể đích khác, do đó, cần sự tham gia tích cực của các nhóm tổ chức cộng đồng mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM; cần đẩy mạnh truyền thông về HIV/AIDS trong nhóm học sinh- sinh viên và sự phối hợp của các nhà trường là rất quan trọng.

Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên - Ảnh 8.

ThS.BS Cao Kim Thoa - Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 cũng đã xác định nhóm người trẻ và đặc biệt là nhóm MSM là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV và STIs…

Ông Huỳnh Minh Trúc – Giám đốc CDC Cần Thơ cho biết: Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE), CDC Cần Thơ phối hợp với các cơ quan ban ngành địa phương, chủ động triển khai hàng loạt chương trình và hoạt động can thiệp nhằm ứng phó với tình hình dịch HIV trẻ hóa và diễn biến phức tạp, bao gồm:

  • Xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức cộng đồng đủ năng lực để nâng cao hiệu quả truyền thông, tiếp cận và cung cấp các dịch vụ HIV/AIDS tại cộng đồng;
  • Kết nối, thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác hiệu quả giữa cộng đồng và hệ thống y tế công tại địa phương (C2P);
  • Trau dồi, củng cố năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế và quản lý \;
  • Phối hợp đa ngành triển khai các chiến lược truyền thông SAFE, trong đó có SAFE-AROUND U (tiếp cận nhóm trẻ trên mạng xã hội), SAFE-ZONE (can thiệp cho nhóm công nhân lao động trẻ ) và SAFE-UNI (truyền thông cho nhóm học sinh sinh viên)...

Nhờ đó, Cần Thơ đã chủ động học hỏi và áp dụng triển khai hiệu quả các mô hình truyền thông HIV/AIDS mới nhằm thu hẹp khoảng trống về kiến thức, thái độ về HIV/AIDS trên nhóm đối tượng học sinh sinh viên.

Mời độc giả xem thêm video:

Lợi ích của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)


Thu Hương
Ý kiến của bạn