Tình trạng quá tải bệnh viện là điểm nóng từ lâu để UBND và Sở Y tế TP. Cần Thơ đề ra nhiều phương án giảm tải bệnh viện từ năm 2006.
Từ kỹ thuật khó
Bệnh viện Nhi đồng TP.Cần Thơ là bệnh viện đầu tiên triển khai phòng khám vệ tinh tại các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Bệnh viện quận Ô Môn, quận Ninh Kiều và huyện Thốt Nốt... Đến năm 2007, ngành Y tế TP. Cần Thơ triển khai tăng cường bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên về các trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh, giúp các trạm y tế xã xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia... Qua đó, số người bệnh ở y tế cơ sở tăng, có nơi đến 45% so với trước đó. Cuối năm 2008, Đề án 1816 được triển khai mang lại nhiều kết quả. Các Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, Ung bướu TP.Cần Thơ, Nhi đồng TP. Cần Thơ… đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị như: thụ tinh trong ống nghiệm, một số kỹ thuật trong lĩnh vực xạ trị, phẫu thuật nội soi khớp, cắt tử cung toàn phần qua nội soi, cắt u đại tràng, phẫu thuật cột sống, nội soi khớp gối, thay khớp háng, phẫu thuật u phổi, u trung thất... do các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế của các bệnh viện: Chợ Rẫy, Từ Dũ, Răng-Hàm-Mặt, Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật.
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ triển khai từ tháng 4 năm 2010 dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh, theo Đề án 1816, đã giúp Khoa Hiếm muộn của bệnh viện ngày một phát triển. Vợ chồng chị Nguyễn Thị K. O, 39 tuổi (ở Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) vui mừng và xúc động nhận được kết quả xét nghiệm máu sau 3 tuần thụ tinh ống nghiệm (TTON): Chị đã có thai. Nghẹn ngào trong niềm vui, chị tâm sự: “Vợ chồng tôi cưới nhau được 5 năm, 2 năm đầu do điều kiện công tác nên chúng tôi kế hoạch, đến khi muốn có con thì lại rất khó khăn. Chúng tôi đã chữa ở nhiều nơi, kết hợp cả thuốc Tây và thuốc Đông y nhưng vẫn không có kết quả. Nhiều người mách lên Bệnh viện Từ Dũ làm TTON, chúng tôi rất băn khoăn vì điều trị sẽ phải tốn rất nhiều chi phí ăn ở, mất nhiều thời gian đi lại. Được biết, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ có Khoa Điều trị hiếm muộn và có bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ về hỗ trợ nên chúng tôi đã quyết định khám, chữa bệnh ở TP. Cần Thơ. Sau 2 tháng, khám, điều trị, niềm vui, hạnh phúc đến với gia đình tôi...”
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện thành công tại Cần Thơ. |
Từ Đề án 1816, các bệnh viện ở TP. Cần Thơ được tiếp nhận và triển khai nhiều phương pháp kỹ thuật cao, trong đó Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ là một trong những bệnh viện nhận được nhiều sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên với phương châm “cầm tay, chỉ việc” ngay tại bệnh viện. Các cán bộ y tế tại bệnh viện không mất nhiều thời gian, công sức, chi phí đi lại để học tập... và thực hiện nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu điều trị các dị tật ở bệnh nhi, như: không có hậu môn, rò trực tràng âm đạo, bàng quang, lỗ tiểu thấp, teo tá tràng bẩm sinh...
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. Cần Thơ, Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, cho biết: “Các bác sĩ tuyến trên rất tận tâm với công việc, không nề hà trước những khó khăn, thiếu thốn của tuyến y tế cơ sở. Ngoài chuyên môn, chúng tôi còn học được tinh thần và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Đây là việc hết sức có ý nghĩa. Khi chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới được thực hiện tốt, tuyến trên có điều kiện thuận lợi để tập trung phát triển những kỹ thuật mới, chuyên sâu, giải quyết các bệnh lý nặng, phức tạp”.
Đến hỗ trợ tuyến dưới
Được nâng cấp từ phòng khám đa khoa của huyện, Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt, TP. Cần Thơ trang thiết bị còn thiếu, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Trong khó khăn ấy, Đề án 1816 đã được triển khai có hiệu quả... Sau 3 năm thực hiện dưới sự trợ giúp của Bệnh viện Đa khoa, Nhi đồng, Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Mắt, Y học cổ truyền… của TP. Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt đã bước đầu có “thương hiệu” thu hút người bệnh như kỹ thuật gây tê màng cứng (giảm đau trong chuyển dạ), phẫu thuật nội soi cắt u… chất lượng khám, chữa bệnh đã có những tiến bộ.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, phường Long Thạnh, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) cho biết, ở quận này có nhiều bệnh viện tư nhân với chất lượng cao, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định vào Bệnh viện Thốt Nốt, vì đến đây khám thai và tìm hiểu, tôi được biết các bác sĩ ở đây cũng đã sử dụng được nhiều kỹ thuật cao, phương pháp điều trị tiên tiến: gây tê qua màng cứng (đẻ không đau). Các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc tôi rất tận tình và chu đáo. Tôi đã sinh được một cháu trai khỏe mạnh không đau và mất sức.
Bài và ảnh: Đỗ Hoài