Thai phụ Trần Thị Huyền, 27 tuổi, TP Cần Thơ đang mang thai 35,5 tuần, thai lần 1, nhập viện vì đau bụng. Qua thăm khám lâm sàng cũng như siêu âm sản khoa, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có bệnh nền là lupus ban đỏ hệ thống đã tổn thương thận mức độ nặng cùng biến chứng tim. Khám bệnh nhân có dấu suy tim nặng.
Siêu âm tim màu giãn buồng tim trái, hở van 2 là 4/4 (mức độ hở van tim tối đa), hở van 3 lá 3/4, tăng áp động mạch phổi, chức năng co bóp tim giảm. Siêu âm thai nhi cho thấy có dấu hiệu suy thai trên nền suy dinh dưỡng bào thai.
Ê kíp thầy thuốc phẫu thuật bệnh nhân
Nhận thấy đây là trường hợp nặng và phức tạp khi bệnh nền lupus ban đỏ đã là một yếu tố nguy cơ rất cao đến biến cố bất lợi cho cả mẹ và con, hơn nữa, tình trạng bệnh lí van tim rất nặng, suy tim nặng, tăng áp phổi cũng khó đảm bảo sự an toàn cho những tuần cuối thai kì.
Thêm nữa, thai nhi đã bị suy dinh dưỡng, hiện đang có dấu hiệu suy thai, đòi hỏi phải có sự can thiệp sớm để cứu thai. Các bác sĩ nhiều chuyên khoa đã tiến hành hội chẩn và quyết định chủ động chấm dứt thai kì nhằm bảo toàn tính mạng cho cả mẹ và con.
Ngày 14/04/2020, ê kíp phẫu thuật do BS.CKII Phùng Thị Thanh Xuân, BS.CKII gây mê - Nguyễn Thanh Liêm, BS.CKII Tim mạch - Võ Thị Thùy An đã tiến hành phẫu thuật lấy thai chủ động. Sau thời gian phẫu thuật 30 phút căng thẳng, kết quả là một bé trai nặng 2100g, khóc tốt trong niềm vui của toàn bộ ê kíp phẫu thuật và cả gia đình bệnh nhân.
Bé trai đã khỏe mạnh và bú tốt
Hiện bé trai đã khoẻ mạnh, bú tốt. Bệnh nhân sau phẫu thuật cũng đang ổn định, không còn dấu hiệu suy tim nặng, hiện đang nằm tại Khoa Nội tim mạch Khớp để điều trị tiếp bệnh lí tim mạch và lupus ban đỏ hệ thống.
Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong: Lupus ban đỏ là một bệnh lí tự miễn hệ thống chưa rõ nguyên nhân chính xác, gây rối loạn đáp ứng miễn dịch, dẫn đến việc sản xuất ra các chất chống lại chính cơ thể của mình.
Đây là một bệnh lí gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, hay gặp nhất là da, xương khớp, thận, tim mạch. Điểm đặc biệt của bệnh là hay gặp ở các phụ nữ trẻ, thường gặp ở phụ nữ chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ.
Vấn đề thai sản trong bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có thể dẫn đến nhiều biến chứng cho cả mẹ và con. Bệnh Lupus và quá trình thai sản có sự tác động qua lại lẫn nhau.
Theo nhiều nghiên cứu, quá trình thai sản là một trong những yếu tố gây khởi phát đợt cấp của bệnh Lupus. Các cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt cấp là da, thận, máu và khớp, trong đó tổn thương thận nặng nhất với các biểu hiện của viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận.
Đây cũng là một trong những yếu tố tiên lượng xấu, có thể dẫn đến tử vong mẹ trong thai kỳ.Thai kì của người bị lupus ban đỏ hệ thống ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những thai kì này có tỉ lệ tử vong của mẹ và con cao hơn bình thường. Về mẹ, mang thai là một thử thách cho toàn bộ cơ thể vốn đã bị ảnh hưởng bởi lupus ban đỏ, làm tăng khả năng vào đợt cấp của lupus, gây suy đa tạng.
Thai nhi cũng được ghi nhận là có tỉ lệ rối loạn nhịp tim, dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng bào thai và sinh non, tử vong sơ sinh cao hơn bình thường.
Những phụ nữ bị lupus ban đỏ hệ thống cũng có thể có thai và sinh con, tuy nhiên do đây là bệnh hệ thống, tiến triển lâu dài và có thể nguy hiểm cho tính mạng nên cần phải được cân nhắc, tư vấn rất cẩn thận trước khi quyết định có thai
Vì vậy, ở những phụ nữ bị lupus ban đỏ hệ thống, việc mang thai được khuyến cáo sau 6 tháng điều trị ổn định lupus ban đỏ hệ thống, và xuyên suốt thai kì phải được theo dõi liên chuyên khoa bởi bác sĩ Sản khoa cũng như bác sĩ Thấp khớp học.
Việc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống thành công mẹ và con ở bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có tổn thương thận và tim nặng đã minh chứng cho năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế.
Điều này càng tạo niềm tin vào khả năng xử lý những bệnh nhân nặng, phức tạp của nhiều chuyên khoa của bệnh viện đối với nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.