Hà Nội

Cần Thơ: 30 phút cứu sống ca tai nạn sốc đa chấn thương

08-03-2020 12:03 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Tin từ BS.CKII Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ vừa can thiệp nút mạch thành công một trường hợp sốc đa chấn thương nguy kịch.

Bệnh nhân Danh Côn, 54 tuổi, Giồng Giềng, Kiên Giang, đang làm nhà thì bất ngờ tường đổ đè lên đầu, người và chân phải, được người nhà đưa vào Bệnh viện Hậu Giang. Tại Bệnh viện Hậu Giang bệnh nhân được xử trí ban đầu, giảm đau, chống sốc, truyền dịch, truyền máu và chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán: choáng chấn thương gãy xương đùi phải, vỡ niệu đạo sau, theo dõi vỡ xương chậu.

Lúc vào viện anh Côn huyết áp thấp, niêm nhợt, mạch nhanh, đau đùi và hông phải, sonde tiểu ra máu đỏ tươi. Bệnh nhân được chẩn đoán: sốc đa chấn thương, gãy kín ½ dưới đùi phải, chấn thương niệu đau sau (đứt niệu đạo)...

Anh Côn được điều dưỡng chăm sóc sau nút mạch can thiệp

Anh Côn được hội chẩn toàn viện với nhiều chuyên khoa khác nhau: Cấp cứu, Ngoại Chấn thương, Ngoại Niệu, Ngoại Tổng quát, Ngoại Thần kinh, Gây mê hồi sức, Can thiệp mạch và được hồi sức tích cực truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng 350ml.

Sau hồi sức, bệnh nhân vẫn còn diễn tiến nặng với biểu hiện lơ mơ, thiếu máu cấp mức độ nặng, huyết áp thấp, mạch nhanh, sonde tiểu vẫn ra máu đỏ tươi.

Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có toan chuyển hóa, rối loạn đông máu, cầm máu, giảm tiểu cầu. Anh Côn tiếp tục được  xử trí tích cực với truyền 2 đơn vị hồng cầu lắng, 2 đơn vị huyết tương, 2 đơn vị tiểu cầu.

Các bác sĩ nhận định: Anh Côn đang có tình trạng chảy máu nội tạng. Với tình trạng như trên cần chỉ định chụp và can thiệp cầm máu các tạng số hóa nền là phương pháp xâm lấn tối thiểu để điều trị tối đa.

Ê kíp can thiệp mạch do BS.CKI Trần Công Khánh – Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiến hành chụp và phát hiện nhiều ổ thoát mạch xuất phát từ động mạch bàng quang, tiến hành luồn chọn lọc vào động mạch bàng quang, chụp xác định vị trí và tiến hành bơm tắc bằng Spongel. Chụp hình kiểm tra sau bơm tắc không thấy tắc mạch.

Sau tắc mạch bệnh nhân ổn định, mạch và huyết áp ổn định dần, tình trạng chung bệnh nhân cải thiện rõ. Sau can thiệp sức khỏe tiến triển tốt, các bác sĩ Ngoại niệu tiến hành mở bàng quang ra da gây tê tại chỗ. Thời gian thực hiến can thiệp là 30 phút.

Hiện nay bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, mạch, huyết áp ổn định, không thấy tình trạng xuất huyết thêm, sonde tiểu ra nước tiểu trong, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khu Hậu phẫu - Khoa Gây mê hồi sức.

Theo BS.CKI Trần Công Khánh – Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, giảm nguy cơ tử vong với phương pháp nút mạch cầm máu điều trị chấn thương nội tạng, bảo tồn tối đa cơ quan nội tạng bị tổn thương, giúp bệnh nhân tránh được cuộc đại phẫu với nhiều biến chứng nguy hiểm... là những ưu điểm nổi trội của phương pháp này.

Nút mạch cầm máu là sự gây tắc mạch bằng đường nội mạch bằng những chất gây tắc. Bác sĩ sẽ sử dụng hệ thống máy chụp số hóa xóa nền để thực hiện thủ thuật nút động mạch để cầm máu.

Khi bị tổn thương động mạch hoặc các tạng như gan, thận, lách… do tai nạn giao thông, tai nạn trong lao động, sinh hoạt, bệnh nhân sẽ gặp phải nguy cơ mất máu. Kéo theo đó là một loạt các biến chứng nghiêm trọng như: rối loạn hoạt động các chức năng sống của cơ thể, rối loạn đông máu, suy phủ tạng và dẫn đến tử vong.

Thông thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ cấp cứu để xử lý các tổn thương. Tuy nhiên, với phương pháp nút mạch cầm máu trong chấn thương, bệnh nhân sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu cắt gan, thận, lách…nặng nề kéo dài hàng giờ, tiềm ẩn biến chứng trong và sau phẫu thuật nguy hiểm như sốc mất máu, nhiễm trùng vết mổ…

Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn an toàn, hiệu quả, được ứng dụng sâu rộng trên thế giới và một số bệnh viện tuyến Trung ương.

Vị trí động mạch tổn thương và hướng đi của thiết bị can thiệp dẫn hóa chất gây tắc mạch được hiển thị rõ nét, chính xác trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Sau khi tiến hành bơm chất gây tắc, người bệnh được chụp lại, kiểm tra để thấy không còn chảy máu ở vùng tổn thương.

Không chỉ riêng bệnh nhân này, rất nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch, sốc mất máu do “ho ra máu sét đánh” trên nền lao phổi,dãn phế quản, chấn thương gan, u  gan vỡ, chấn thương thận kín, …đã được bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ can thiệp thành công bằng phương pháp nút mạch cấp cứu mà không phải phẫu thuật.


PV
Ý kiến của bạn