Tiếp tục các ý kiến chia sẻ về đường dây nóng ngành y tế, báo Sức khỏe&Đời sống xin đăng tải ý kiến của nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng TƯ và ý kiến các nhà báo, bác sĩ về triển khai đường dây nóng của ngành.
Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng TƯ:
“Việc Bộ Y tế vừa thành lập đường dây nóng là rất quan trọng”

Vừa qua, ngành y tế có xảy ra một số vụ việc nhưng đã dẫn đến những nhìn nhận tiêu cực, phủ nhận những công lao to lớn, những thành tựu kỹ thuật, những cống hiến của ngành y với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân. Tôi phải khẳng định rằng, điều đó là không công bằng đối với ngành y tế, và điều này đối với cá nhân tôi thấy rất lo lắng, trong đó có trách nhiệm của đội ngũ báo chí không thông cảm đầy đủ. Thực tế ngành nào cũng có những tiêu cực, nhưng có hai ngành nhạy cảm và động chạm nhất là ngành y tế và giáo dục. Vì thế việc người dân và dư luận quan tâm là hết sức chính đáng. Vấn đề đặt ra là giải pháp thực hiện để giải quyết những vấn đề bức xúc như thế nào? Qua theo dõi hoạt động của ngành y tế, tôi thấy đồng chí Bộ trưởng hiện nay và các đồng chí tiền nhiệm rất quan tâm đến việc chống tiêu cực trong ngành y tế. Việc Bộ Y tế thành lập đường dây nóng vừa qua là rất quan trọng. Những thông tin phản ánh sự không hài lòng của người dân sẽ được giải quyết kịp thời, vì thế đây là giải pháp rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần hết sức thận trọng, công bằng trong xem xét đường dây nóng, phải lấy chuẩn đúng sai để xem xét, đánh giá cấp cơ sở.
Bên cạnh đường dây nóng, cần phải kiên trì, cổ vũ những tấm gương người tốt việc tốt để có cái nhìn toàn diện và công bằng với ngành y.
Trung tướng - Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân Lê Phúc Nguyên:
“Nếu đường dây nóng thực sự đi vào cuộc sống, nó sẽ ngày càng bớt nóng!”
Mở ra đường dây nóng là một việc rất cần thiết. Những người dân muốn phản ánh về thực trạng ở bệnh viện hầu hết đều không biết nói với ai và không biết nói bằng hình thức nào. Các bệnh viện cũng mong muốn được người dân đóng góp ý kiến cả về y đức và chuyên môn của các cán bộ và bác sĩ trong bệnh viện. Tất cả để phục vụ mục tiêu: phục vụ tốt nhất cho người bệnh.
Tại sao việc mở ra đường dây nóng là rất cần vì lâu nay có nhiều điều phàn nàn và các ý kiến được nhiều người đưa ra chưa được tiếp thu một cách đầy đủ và xử lý tốt. Bản thân lãnh đạo của các bệnh viện cũng rất khó có thể nắm hết được mọi chuyện (cả công khai và không công khai) trong bệnh viện nơi mình quản lý. Tất nhiên mọi thông tin có đến được với ban lãnh đạo của bệnh viện cũng như tới các cấp, các ngành cao hơn hay không còn tùy thuộc vào việc đường dây nóng có phát huy được hết tác dụng tích cực của nó. Những người trực đường dây nóng phải là những người có trách nhiệm và thực lòng muốn nghe tiếng nói của dân. Nếu đường dây nóng thực sự đi vào cuộc sống thì sẽ ngày càng bớt nóng đi.
Mở ra đường dây nóng không nên chỉ là một hình thức duy nhất để ý kiến của người dân đến được ban lãnh đạo các bệnh viện nhanh hơn, chuẩn hơn. Cần có nhiều hình thức khác. Tất nhiên tinh thần tiếp thu và sửa chữa mới là điều quan trọng nhất. Người dân không nên coi đường dây nóng là một nơi bạ gì cũng nói. Các cán bộ và bác sĩ trong bệnh viện cũng không coi đây là một việc gây áp lực. Hãy cùng coi việc sử dụng đường dây nóng là một sinh hoạt bình thường hàng ngày, có trao đổi, có đúng có sai. Hãy cùng nhau biến việc ứng xử với đường dây nóng thành một ứng xử văn hóa đẹp! Có như vậy người dân đến bệnh viện mới thấy họ có được tinh thần làm chủ, được tôn trọng và được phục vụ một cách bình đẳng, có tình thương. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, cách ứng xử của các cán bộ và bác sĩ còn có tác dụng bù đắp rất nhiều những nỗi đau cả về tinh thần và thể xác của người bệnh!
Ở nhiều nước trên thế giới, mở đường dây nóng đã là một việc bình thường. Tôi mong ở Việt Nam , đường dây nóng tại các bệnh viện sẽ thực sự phát huy được tác dụng tích cực.
BS. Lê Anh Hùng (Đại học Y Hà Nội):
“kênh thu thập thông tin về chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng của người dân”
Hiện nay hình thức đường dây nóng bệnh viện đang được phổ biến rộng rãi ở hệ thống y tế nhà nước. Trên thực tế nếu như nhìn dưới góc độ tích cực thì đây là một công cụ quản lý hữu ích của các nhà lãnh đạo ngành y tế. Với công cụ này việc phát hiện tiêu cực và những vấn đề trong chuyên môn, dịch vụ, tai biến... được kịp thời cập nhật. Hình thức này giống như một kênh thu thập thông tin về chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng của người dân.
Tuy nhiên, “truyền thông khoa học” của ngành y Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, dẫn đến việc thiếu hiểu biết của người bệnh và người nhà. Ví dụ như một ca siêu âm mạch máu thường phải được thực hiện rất kỹ lưỡng với mục đích dò tìm tổn thương ở các mạch máu để giải thích nguyên nhân gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, hầu như 100% người bệnh do thiếu thông tin về dịch vụ này nên đều tỏ ra khó chịu khi phải chờ đợi. Sự thiếu hiểu biết về dịch vụ y tế dẫn đến tâm lý khó chịu và đối địch với ngành y. Như vậy một giả thiết đặt ra là sẽ có một tỷ lệ lớn những phàn nàn của người bệnh/người nhà qua đường dây nóng là do họ thiếu kiên nhẫn với sự chờ đợi mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu thông tin về dịch vụ y tế.
Bên cạnh đó, đường dây nóng có thể được sử dụng với một vài mục đích khác nhằm gây sự chú ý của cơ quan quản lý đối với một vài cá nhân và nhằm mục đích cá nhân. Như vậy, việc lọc và kiểm tra tính xác thực của thông tin, trên nền một xã hội không được bổ sung kiến thức tốt từ truyền thông y tế là hết sức cần thiết.
Nguyễn Thắng - Tuyết Lan