Hà Nội

Cần thiết giành lại vỉa hè

25-11-2019 06:12 | Xã hội
google news

SKĐS - Hè phố là không gian thể hiện trình độ phát triển và lối sống văn minh của đô thị, là nơi dành cho người đi bộ.

Nhưng hè phố nhiều tuyến phố, con đường ở Hà Nội đã bị người dân chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán nên người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Việc chỉnh trang để thành phố trở thành đô thị văn minh là thật sự cần thiết. Khoan hãy nói đến những điều lớn lao. Mỗi ai yêu Hà Nội, hãy thể hiện bằng cách làm đẹp thành phố bằng cách tự chỉnh trang vỉa hè, tuân thủ những quy định chung, trả lại “nhan sắc” cho hè phố.

Lấn chiếm của chung làm không gian kinh doanh

Để đi một cách thông suốt trên hè phố Hà Nội là điều rất khó hiện nay, người đi bộ luôn bị cản trở bởi tình trạng lấn chiếm hè phố. Có thể kể ra điển hình như phố Triệu Việt Vương, đầy rẫy hàng quán cà phê và hè phố luôn phải nhường chỗ để xe; phố Lương Văn Can, Hàng Cân luôn tràn ngập đồ chơi; phố Hàm Long la liệt bàn ghế, hoa nhựa; phố Lương Định Của nhộn nhạo người bán hoa quả... rồi còn biết bao nhiêu hè phố biến thành “điểm đen” bởi những quán bia hơi, những quầy nướng vịt, quầy thịt chó, quầy hoa quả... Có thể nói là muôn kiểu lấn chiếm, mạnh ai nấy dùng hè phố làm của riêng, nơi kinh doanh. Gia đình nào ở mặt phố, bày ra kinh doanh là một nhẽ, họ lại cho người khác thuê phần hè phố để có thêm một khoản tiền. Hiện nay một số tuyến phố của thành phố đã cấm buôn bán hàng rong. Còn lại những người buôn bán vặt, hàng rong vẫn dùng hè phố của những tuyến chưa bị cấm làm chỗ buôn bán. Đã có một đề tài nghiên cứu đã đi sâu “điều tra xã hội học” tìm cách lý giải hiện tượng này tại đô thị nước ta, hướng tới việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn này, đã thống kê mấy loại “lấn chiếm” dễ nhận biết: nhà mặt phố nhưng cửa hàng chật phải “lấn” ra hè bày hàng được nhiều; nhà sâu trong hẻm phải ra “cửa hẻm” kiếm chút diện tích tiếp cận người qua phố; một hốc tường của nhà công cộng có chút khoảng lùi rất dễ bị chiếm dụng bày bán hàng; một mặt tường hoặc hàng rào được đục phá tìm diện tích lấn ra phố...

Không ít người lấn cả lòng đường để buôn bán.

Không ít người lấn cả lòng đường để buôn bán.

Phải khẳng định, chính quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân số tăng, cộng thêm việc di dân tự do ngoại tỉnh đã làm cho Hà Nội rơi vào tình trạng “phố phường chật hẹp người đông đúc”. Nhiều đường phố và hè phố cũng mau chóng trở nên quá tải. Những nơi chật hẹp nhất thường nằm ở những nơi có ý nghĩa lịch sử được hình thành đã lâu. Nơi ấy thường được gọi là “đất vàng” và hè phố lại cũng chính là “con gà đẻ trứng vàng”. Bám vào đất này là có đất sống bởi hàng hóa và dịch vụ bày bán ở đây thường rất đông khách. Chủ nhân chiếm dụng đất vàng chính là bộ phận dân cư sống bằng buôn bán nhỏ - bộ phận còn rất đông đảo trong thành phần dân cư hiện nay, sống với nguồn thu nhập bấp bênh. Nghèo nên phải cố bám vỉa hè để sống, dẫn đến tình trạng giải tỏa nơi này thì nơi khác bị lấn chiếm, sáng giải tỏa thì chiều tái lấn chiếm. Hè phố những tuyến không bị cấm lúc nào cũng trở nên nóng rẫy, ngột ngạt.

Tôi đã từng có những dịp cùng lực lượng chức năng ở nhiều phường thực thi nhiệm vụ, xóa bỏ quảng cáo “rác”, thu dọn biển quảng cáo sai quy định, cưỡng chế các hộ vi phạm che ô, làm mái tôn chìa ra vỉa hè. Tôi cũng chứng kiến ở không gian nhiều phường, có cả đống lổn nhổn biển quảng cáo, ghế nhựa, bàn sắt và nhiều đồ khác bị thu giữ, lưu trữ nhiều năm. Người vi phạm phải bị xử lý. Nhưng tiếc là suốt nhiều năm, công việc xử lý vẫn chưa triệt để và bất kể lúc nào lực lượng chức năng vẫn phải... dẹp vỉa hè! Ông Nguyễn Cường Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (Hoàng Mai), chia sẻ: “Việc quản lý vỉa hè luôn là bài toán khó mà lực lượng chức năng phải căng mình ra, thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm!”.

Khắc phục bằng nhiều giải pháp

Cũng phải khẳng định, hè phố có đời sống của nó. Như kiến trúc sư (KTS) Trần Huy Ánh, cho biết: “Mưu sinh ở đó cũng là một nét văn hóa, một thế giới riêng trong đời sống đô thị, là một phần bộ mặt của thành phố. Nghịch lý xảy ra là người nghèo vẫn phải sống, phải có cái ăn, cái mặc. Mà đã liên quan đến miếng cơm, manh áo thì việc cấm đoán là khó lắm thay”.

Đồng quan điểm ấy, nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, trật tự vỉa hè về cơ bản là vỉa hè được sử dụng đúng chức năng cơ bản, là phần gắn liền với đường phố dành ưu tiên tối đa cho hoạt động đi bộ. Song nếu hiểu trật tự vỉa hè một cách đơn giản là tất cả các vỉa hè trong đô thị đều phải thông thoáng hoàn toàn, tuyệt đối không có các hoạt động khác, thì sẽ triệt tiêu các hoạt động đô thị gắn liền vỉa hè, phát sinh mâu thuẫn trong quản lý và phát triển. Bên cạnh chức năng chính là không gian đi bộ, vỉa hè còn là không gian của cây xanh, thảm cỏ, là nơi lắp đặt các thiết bị đường phố: đèn chiếu sáng, thùng rác... là một phần nơi chốn sinh hoạt đô thị và hoạt động kinh tế vỉa hè. Một phần hoạt động kinh tế vỉa hè cũng góp phần giải quyết vấn đề của nền kinh tế mà chính quyền có thể khó giải quyết.

Vậy làm sao để quản được những người buôn bán, để họ ý thức giữ gìn “nhan sắc” cho phố là điều khó. Trước hết phải làm sao để giảm nghèo đô thị, từ đó giảm số người bám hè phố mưu sinh. Chừng nào việc xóa nghèo đô thị chưa có bước đi nhanh thì việc lấn chiếm để sinh hoạt sống của người nghèo sẽ là chuyện dậm chân tại chỗ. Không ai nghĩ rằng có thể giải quyết việc này trong ngày một ngày hai. Nhưng chẳng lẽ chúng ta chịu bó tay để tình trạng này tiếp diễn? Các cấp lãnh đạo không thể cấm kinh doanh buôn bán trên hè phố bằng những biện pháp cứng nhắc, mà phải nhìn vào hiện trạng của đời sống xã hội dân cư. Rồi bằng những quy định, những cơ chế, trách nhiệm quản lý rõ ràng để người dân làm theo.

Mấu chốt thứ hai của vấn đề là việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Các biện pháp xử phạt hành chính trong trường hợp người dân cố tình vi phạm pháp luật cũng cần thiết, nhưng biện pháp quan trọng hơn chính là vận động giáo dục để mọi người cùng thấy rõ việc tạo hình ảnh đô thị văn minh trên đường phố là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào chung khi được thừa hưởng các không gian đô thị mà truyền thống văn hóa của cha ông để lại. Dân ta vốn có truyền thống “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, dù có chật hẹp nhưng nếu ý thức tôn trọng quyền có không gian đi bộ của mọi người dân đô thị, họ sẽ có cách sắp xếp khéo léo đảm bảo tối thiểu của không gian này. Một số tuyến phố ở trung tâm được cán bộ quản lý ở phường quan tâm đã có sự sắp xếp phân ranh giới cho phần để xe đạp, xe máy, đã đảm bảo được một phần không gian hợp lý cho người đi bộ. Tiếc là con số này không nhiều.

Vỉa hè luôn đông đúc người buôn bán vặt.

Vỉa hè luôn đông đúc người buôn bán vặt.

Khá nhiều thành phố ở châu Âu, châu Á có hiện tượng sử dụng vỉa hè vào các dịch vụ bán hàng, ăn uống. Rất phổ biến là dịch vụ giải khát và ăn nhẹ trên hè phố, thường diễn ra vào buổi sáng (điểm tâm) và buổi tối (cà phê) - ban ngày thường không có dịch vụ này. Chính những dịch vụ này làm cho thành phố sinh động. Một số khu hàng quán vỉa hè rất đông khách. Tại những quảng trường thì dịch vụ ăn uống giải khát này càng phát triển, có khi suốt ngày. Ở những thành phố có nhiều tuyến phố đi bộ thì dịch vụ bán hàng trên hè phố lại càng nhiều, nhưng có một điều là rất sạch sẽ, không có hiện tượng vứt rác ra đường. Ngay trên các phố ở Seoul Thủ đô Hàn Quốc cũng có những quán bánh mì, cháo dưới hình thức lều bạt thường dựng lên buổi tối cho khách ăn đêm.

KTS Tôn Đại chỉ ra: “Giữ lấy cái ưu điểm và hạn chế cái khuyết điểm của vấn đề, ta nên tiến hành mấy biện pháp sau: Nhất thiết phải thanh toán “chợ cóc” và “phố chợ”. Tất cả những người buôn bán nhỏ này cần được tổ chức đưa vào các chợ được thiết kế nghiêm chỉnh theo quy hoạch hợp lý. Ta cần khắc phục những bất cập, bởi quy luật tiến lên của xã hội văn minh của các đô thị tiên tiến thì có những điều phải “hy sinh”. Hơn nữa, thói quen mua nhanh theo kiểu “ghé qua” dễ sinh nhiều áp lực cho giao thông. Đối với người bán hàng, vào thuê chỗ trong chợ có cái lợi là cuộc sống ổn định, yên tâm không phải thấp thỏm mình bán hàng vừa cảnh giác chạy trốn nhà chức trách, có nơi chốn đàng hoàng với các thiết bị văn minh của chợ như đèn, quạt, khu vệ sinh công cộng. Về đô thị thì hết chợ cóc, đường phố sẽ bớt tắc nghẽn, thông thoáng hơn, người đi bộ có thể đi trên vỉa hè an toàn và văn minh hơn”.

Chung quy lại, ổn định an ninh trật tự, giành lại vỉa hè luôn là bài toán rất cần sự đồng thuận của người dân, nhất là những người đang thừa hưởng không gian công cộng ấy. Thành phố đã cho mỗi người cơ hội sinh sống và làm việc. Thành phố cũng đòi hỏi ở mỗi người đáp lại. Chẳng phải to tát hay hành động cao siêu gì. Việc tự tay chỉnh trang vỉa hè, không lấn chiếm, hợp tác cùng cơ quan chức năng để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, chấp hành các quy định quản lý vỉa hè, đó cũng là một cách yêu Hà Nội. Một cách thể hiện tình yêu thiết thực.


Bài và ảnh: Ngô Hải Miên
Ý kiến của bạn