Hà Nội

Cần thiết đẩy mạnh đào tạo nhân lực y học cổ truyền sau đại học chuyên sâu theo từng nhóm bệnh

06-10-2023 16:02 | Y tế

SKĐS - Tại Việt Nam y dược cổ truyền là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hiện nay, toàn quốc có 66 bệnh viện y dược cổ truyền và các khoa y học cổ truyền, 5.269 phòng chẩn trị/phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền...

Những thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học về đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu "Y Dược cổ truyền" kết hợp "Y Dược hiện đại" do Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức hôm nay 6/10.

Đào tạo sau đại học chưa theo hướng đa ngành trong y học cổ truyền

Cần thiết đẩy mạnh đào tạo nhân lực y học cổ truyền chuyên sâu theo từng nhóm bệnh  - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Tại Việt Nam y dược cổ truyền là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Y dược cổ truyền tồn tại và phát triển cùng với lịch sử loài người và ngày càng được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới trong điều trị, dự phòng bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, một trong những giải pháp quan trọng của ngành, đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ.

"Việc đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải xây dựng phương hướng phát triển ngành một các khoa học và gắn chặt với nhu cầu thực tiễn"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Trên thế giới, một số nước có nền y dược cổ truyền phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đặc biệt là Trung Quốc có nền Trung y phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, việc kết hợp Trung y và Tây y rất hài hòa và sâu sắc. Đồng thời, công tác đào tạo nhân lực Trung y theo hướng đa khoa, đã cấp nhiều văn bằng sau đại học như: Ngoại khoa Trung y, Nội khoa Trung y, Phụ khoa Trung y, Nhi khoa Trung y, Ung bướu Trung y, Châm cứu…, các chương trình đào tạo theo phạm vi chuyên môn để cấp chứng chỉ hành nghề theo từng bậc đào tạo.

Cần thiết đẩy mạnh đào tạo nhân lực y học cổ truyền chuyên sâu theo từng nhóm bệnh  - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, lãnh đạo Cục Y Dược cổ truyền, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế cùng các đồng chí lãnh đạo Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, các Bệnh viện chuyên ngành y học cổ truyền, các Hội chuyên ngành y học cổ truyền cùng tri ân GS Hoàng Bảo Châu.

Về đào tạo nhân lực Y dược cổ truyền, chủ yếu từ Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam và các Khoa/bộ môn y học cổ truyền các trường đại học trên toàn quốc. Mặc dù, thực tế công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại đang phát triển theo hướng đa khoa, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, mảng đào tạo nhân lực y học cổ truyền bậc đại học là một ngành giống như Y khoa, nhưng đào tạo bậc sau đại học chưa theo hướng đa ngành trong y học cổ truyền do đó chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, phần lớn các trường đào tạo 01 mã ngành sau đại học là y học cổ truyền (riêng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đào tạo thêm chuyên khoa I về Châm cứu, Dược liệu - Dược học cổ truyền).

"Như vậy ở Việt Nam, còn một khoảng cách giữa nhu cầu thực tiễn tại các cơ sở khám chữa bệnh và chương trình đào tạo lĩnh vực y dược cổ truyền. Vì vậy, cần có nghiên cứu về tổng quan thông lệ quốc tế, đồng thời căn cứ vào thực tiễn của hệ thống y học cổ truyền của Việt Nam hiện nay và xu hướng để đề xuất đào tạo chuyên sâu sau đại học ngành y học cổ truyền trong giai đoạn tới"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Nhu cầu ngày càng nhiều về đào tạo các ngành chuyên sâu sau đại học về y học cổ truyền

Hiện tại các bệnh viện y học cổ truyền đều phân khoa phát triển theo định hướng bệnh viện đa khoa y học cổ truyền, đòi hỏi nguồn nhân lực y học cổ truyền phải chuyên sâu theo từng nhóm bệnh. Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, nắm bắt nhu cầu này Học viện đã đi đầu theo hướng đào tạo các ngành chuyên sâu sau đại học về y học cổ truyền. Theo đó, Học viện đã đề xuất và được Bộ Y tế cho phép mở ngành chuyên khoa I Châm cứu, Chuyên khoa I Dược liệu - Dược học cổ truyền (từ năm 2022).

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy cũng cho biết, với uy tín trong đào tạo về y dược cổ truyền, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam trong những năm vừa qua đã được Bộ Y tế giao đầu mối xây dựng "Chuẩn năng lực cơ bản của Bác sĩ y học cổ truyền Việt Nam", "Chuẩn chương trình đào tạo ngành y học cổ truyền trình độ đại học", "Danh mục các trang thiết bị trong phòng thực hành đào tạo ngành y học cổ truyền trình độ đại học", "Định mức kỹ thuật trong đào tạo ngành y học cổ truyền"; "Chương trình đào tạo liên tục cho người làm công tác dược lâm sàng tại các cơ sở khám bệnh chữa bệnh y học cổ truyền"… và đã đề xuất sự tham gia vào quá trình tổ chức đánh giá năng lực hành nghề của bác sĩ y học cổ truyền (theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023).

Cần thiết đẩy mạnh đào tạo nhân lực y học cổ truyền chuyên sâu theo từng nhóm bệnh  - Ảnh 3.

Hội thảo khoa học về đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu "Y Dược cổ truyền" kết hợp "Y Dược hiện đại" có khoảng 400 đại biểu đại diện 65 đơn vị trong đó có các bộ, ban, ngành trung ương, 40 bệnh viện, 12 trường đại học, 8 Sở Y tế và các hội nghề nghiệp (Hội đông y, Hội châm cứu, Hội Nam y), 5 viện nghiên cứu và các công ty dược tham dự...

Tại hội thảo, các báo cáo viên tham dự Hội thảo tập trung phân tích và đưa ra những nghiên cứu về tổng quan thông lệ quốc tế, đồng thời căn cứ vào thực tiễn của hệ thống y học cổ truyền của Việt Nam hiện nay và xu hướng thế giới, đưa ra những đề xuất đào tạo chuyên sâu sau đại học ngành y học cổ truyền trong giai đoạn tới. Nội dung góp ý, thảo luận tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng cho định hướng trong xây dựng "Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực sức khoẻ" đối với đào tạo đặc thù về y học cổ truyền.

Tại hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương gửi lời tri ân, cảm ơn GS Hoàng Bảo Châu vì những đóng góp của Thầy cho sự nghiệp đào tạo nhân lực y học cổ truyền cũng như sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng cùng các thế hệ ngành Y học cổ truyền tri ân GS Hoàng Bảo Châu - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Y (Bệnh viện Y học cỗ truyền TW ngày nay).

GS Hoàng Bảo Châu trong quá trình công tác đã kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong ngành y học cổ truyền như: Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Y từ năm 1974 - 1977 (Bệnh viện Y học cổ truyền TW ngày nay); Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Y: 1977 - 1995; Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhiệm kỳ 2001-2005.

GS Hoàng Bảo Châu là tác giả của nhiều tác phẩm y học cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam như: Lý luận cơ bản y học cổ truyền; Phương thuốc cổ truyền; Thuốc cổ truyền và ứng dụng lâm sàng,…; Thầy đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu như Thầy thuốc nhân dân; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ; Giải thưởng Hải thượng Lãn ông...

Bộ Y tế yêu cầu gì về ghi chép hồ sơ bệnh án?Bộ Y tế yêu cầu gì về ghi chép hồ sơ bệnh án?

SKĐS - Theo dự thảo Thông tư quy định hồ sơ bệnh án và bản tóm tắt hồ sơ bệnh án do Bộ Y tế xây dựng đang lấy ý kiến nhân dân, hồ sơ bệnh án được xây dựng dựa trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm. Việc ghi chép hồ sơ bệnh án cần phải đầy đủ, tránh bỏ sót thông tin quan trọng...

Thái Bình/ Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn