Cần thiết bổ sung tội danh vi phạm về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

04-05-2015 09:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo quý 1/2015, tổng số tiền nợ BHXH trên cả nước tính đến cuối năm 2014 là 7.279 tỉ đồng,

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo quý 1/2015, tổng số tiền nợ BHXH trên cả nước tính đến cuối năm 2014 là 7.279 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH 5.578 tỉ đồng (chiếm 76,63% tổng số nợ), còn lại là nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và nợ bảo hiểm y tế (BHYT). Đáng chú ý, trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, có đến trên 8.000 đơn vị (với số lao động lên đến hơn 30.000 người) đã ngừng hoạt động. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2015, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN đã lên tới 13.761 tỷ đồng (tăng 90% so với cuối năm 2014)...

Về giải pháp thu hồi nợ, cơ quan BHXH Việt Nam cho biết đã thực hiện nhiều phương án để thu hồi nợ BHXH như: thanh tra kiểm tra, áp dụng chế tài xử phạt các hành vi nợ BHXH, BHYT, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT vẫn không thuyên giảm. Việc khởi kiện các đơn vị vi phạm BHXH, BHYT ra tòa cũng là một vấn đề nan giải, chưa nói đến việc thu hồi tiền nợ. Trong năm 2014, có 50 cơ quan BHXH địa phương tiến hành khởi kiện 5.832 doanh nghiệp (DN), đơn vị với số tiền nợ BHXH, BHYT là 2.445 tỉ đồng, thu hồi được 621 tỉ đồng. Một số BHXH tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ cao gồm: Lai Châu (12,6%), Hà Nội (6,7%), Hòa Bình (6,4%), Bình Định (6,2%), Phú Yên (5,1%). Có thể nói, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến Quỹ BHXH, BHYT mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ cũng như làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Kiến nghị xem xét xử lý hình sự tội trốn đóng, chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT cho người lao động.

TP.Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu cả nước khởi kiện DN nợ BHXH. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh thông tin, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn trên địa bàn thành phố (bao gồm cả nợ khởi kiện) là hơn 1.455 tỉ đồng, trong đó hơn 427 tỉ đồng nợ dạng “khó đòi” theo đơn khởi kiện. “Gần đây, Thanh tra thành phố và Thanh tra Chính phủ đã thực hiện 28 cuộc thanh tra các DN đang hoạt động còn nợ BHXH hàng chục tỉ đồng. Kết quả các DN này đã khắc phục hàng chục tỉ đồng, tỉ lệ khắc phục đạt hơn 62%” - ông Sang cho biết.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ tăng nhanh được BHXH Việt Nam chỉ ra là do tình hình kinh tế còn khó khăn, sản xuất kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm, nhiều DN phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH. Tuy nhiên, còn một lý do quan trọng hơn theo các chuyên gia đó là do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng, vô tình khuyến khích DN cố tình để nợ tiền BHXH nhằm chiếm dụng. Trong khi đó, cơ quan BHXH chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện những vi phạm về BHXH, nhưng lại không được quyền thanh tra, xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra của cơ quan BHXH không cao.

Hiện nay, Luật BHXH, Luật BHYT cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định tội danh cụ thể đối với những hành vi này nên không xử lý được. Do vậy, đưa tội danh trốn đóng BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tới đây là yêu cầu cần thiết.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, sẽ bổ sung những quy định nhằm ngăn chặn sai phạm trong BHXH. Đặc biệt, hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH gây hậu quả nghiêm trọng đang được xem xét, đề nghị đưa vào Dự thảo Bộ luật Hình sự. Ông Lợi cho biết, hành vi vi phạm pháp luật về BHXH sẽ bị xử lý theo nhiều cấp độ khác nhau tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Hiện nay, các cơ quan đang kiến nghị xem xét xử lý hình sự việc trốn đóng, chiếm dụng quỹ BHXH gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là xử lý hình sự hay không mà là phải đảm bảo tính công bằng, khách quan trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm và các cơ quan thực thi pháp luật phải nghiêm minh, kiên quyết xử lý, theo đuổi các vấn đề sau khi thanh tra, kiểm tra, giám sát để buộc DN phải điều chỉnh hành vi và tuân thủ pháp luật.

Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các DN nợ BHXH quá lớn, việc xử phạt hành chính thì ít và không đủ sức răn đe. Cơ quan BHXH khởi kiện DN ra tòa án cũng gặp nhiều khó khăn và việc thu hồi nợ cũng không đạt hiệu quả. Việc đóng BHXH cũng giống như đóng thuế. Trong khi đó tội trốn thuế được đưa vào Bộ luật Hình sự còn tội trốn đóng BHXH thì chưa. Vậy nên cần phải xem xét quy định trong Bộ luật Hình sự. Đây là việc làm cần thiết để tránh các DN trốn và chây ỳ đóng BHXH.

Hoàng An

 

 

 


Ý kiến của bạn