Thông tin từ Phòng Công tác xã hội, BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang, vào sáng 17/6/2024, cụ bà N.T.M, 95 tuổi (ở Đại Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang) được người nhà đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng vã hồ hôi, đau tức ngực trái nhiều, đau lan lên vùng cổ và cánh tay, cơn đau kéo dài trên 30 phút, kèm khó thở và mệt mỏi nhiều.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã thăm khám, tiến hành điện tim, xét nghiệm cấp cứu thấy có ST chênh V1 -V6, chỉ số men tim cao bất thường, khoảng 27.000 ng/L (trong khi người bình thường chỉ dưới 18 ng/L). Bệnh nhân ngay lập tức được hồi sức tích cực bằng nhiều phương pháp.
Xác định tình trạng bệnh nhân rất nặng, biểu hiện của nhồi máu cơ tim cấp, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn với ekíp can thiệp tim mạch và đi đến thống nhất chẩn đoán: người bệnh nhồi máu cơ tim cấp/ tăng huyết áp, được chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, hẹp nặng động mạch mũ và hẹp vừa động mạch vành phải. Các bác sĩ đã tiến hành lấy huyết khối, nong và đặt stend động mạch vành.
Sau khoảng 1 giờ can thiệp, mạch vành được tái thông hoàn toàn, bệnh nhân tỉnh, giảm đau ngực, giảm mệt, hết khó thở, được chuyển khoa Nội tim mạch theo dõi và điều trị.
Hiện tại, sau 03 ngày thực hiện thủ thuật, tình trạng người bệnh đã ổn định, ăn uống được, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
ThS Giáp Văn Cương, Phó trưởng khoa Nội tim mạch của Bệnh viện chia sẻ: "Đây là trường hợp cực kỳ hiếm gặp. Cụ M là bệnh nhân cao tuổi nhất tính đến thời điểm hiện tại được Bệnh viện can thiệp cấp cứu thành công. Khi nhập viện, tình trạng của cụ M rất nặng, chúng tôi e ngại một điều là bệnh nhân quá cao tuổi, thể trạng gầy gò, suy kiệt, sức chống chịu sẽ yếu hơn, nếu can thiệp thời gian hồi phục kéo dài hơn, có khả năng nhiều biến chứng, vô tình làm nặng hơn các bệnh lý nền của người bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi đã cẩn trọng đánh giá tổng quát tình trạng chung của người bệnh và quyết định thực hiện can thiệp."
Bác sĩ Cương cũng cho biết: "Với những bệnh nhân tuổi cao trên 90, nếu xảy ra nhồi máu thì đa phần sẽ tử vong vì tình trạng nặng nề và đến bệnh viện muộn. Riêng trường hợp cụ M. được cứu thành công là nhờ gia đình phát hiện kịp thời, đến bệnh viện sớm và sự phản ứng nhanh, chính xác của các bác sĩ".