Tin từ BV Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa tiến hành hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật "Chụp và can thiệp lấy huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp" (kỹ thuật) cho BVĐK tỉnh Hà Tĩnh.
Tại Hà Tĩnh, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm BVĐK tỉnh tiếp nhận khoảng 1.000 -1.500 bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có khoảng một nữa bệnh nhân phải can thiệp chụp mạch máu não.
Do đó, việc tiếp nhận kỹ thuật sẽ giúp phát hiện và can thiệp sớm đột quỵ não, hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng, người bệnh đột quỵ được điều trị cấp cứu kịp thời tại địa phương mà không phải mất thời gian chuyển lên tuyến trên.
Theo kế hoạch, các chuyên gia của BV Trung ương Huế sẽ chuyển giao kỹ thuật cho BVĐK tỉnh Hà Tĩnh theo từng đợt. Dự kiến trong khoảng 6 tháng đến 1 năm, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh sẽ làm chủ được kỹ thuật cao này.
Trước đó, để tiếp nhận kỹ thuật, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã cử 1 ekip tham gia lớp đào tạo về can thiệp mạch não, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất đáp ứng yêu cầu của việc triển khai kỹ thuật.
Theo BV Trung ương Huế, đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não, bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não) là bệnh lý cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao. Những người thoát khỏi tử vong thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác và tinh thần.
ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương - Phó Giám đốc BV Trung ương Huế cho biết, mỗi năm, Trung tâm Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện điều trị cho 2.500-3.000 bệnh nhân đột quỵ và bệnh lý mạch máu não.
Hiện nay, đơn vị này đang triển khai tất cả các phương pháp điều trị tiên tiến trong can thiệp thần kinh, đột quỵ như: Van thiệp lấy huyết khối, tái thông mạch máu não với tỉ lệ thành công trên 95%, đặt stent chuyển dòng, điều trị hẹp động mạch trong và ngoài sọ, phối hợp đường động mạch-tĩnh mạch trong điều trị dị dạng dò động-tĩnh mạch não, can thiệp điều trị hầu hết các loại, phình mạch, các dị dạng mạch máu não ở trẻ em và sơ sinh…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Atisô - Vị thuốc bổ mát, giải độc gan nhưng dùng thế nào cho đúng?