Ngày 26/2/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Vận động chính sách y tế Toàn cầu (GHAI) đã ra mắt ấn phẩm tiếng Việt hướng dẫn toàn cầu các bước triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống đuối nước, trong đó đề cập đến 6 can thiệp phòng chống đuối nước ở trẻ em.
Tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non
Trên thế giới, trẻ em từ 1-4 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất với đuối nước do đặc tính hiếu động và có nguy cơ ngã vào nguồn nước mở hoặc không có rào chắn khiến trẻ không thoát ra được. Thiếu nhận thức của cha mẹ về rủi ro và cách phòng chống đuối nước ở trẻ nhỏ, thiếu giám sát và có nhiều nguồn nước mở là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đuối nước ở độ tuổi này.
Đuối nước ở trẻ nhỏ thường xảy ra trong giờ làm việc bận rộn của người trông trẻ, khi họ đang làm việc nhà hoặc công việc hàng ngày khác. Việc giám sát trẻ tại cơ sở trông trẻ trong khoảng thời gian này là một biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm bảo vệ trẻ khỏi đuối nước và cũng đảm bảo rằng các trẻ lớn hơn không phải lo trông em, giúp các trẻ lớn này có thời gian đến trường.
Lắp đặt rào ngăn trẻ tiếp xúc với nguồn nước
Rào chắn ngăn trẻ tiếp xúc với nguồn nước cũng là một cách phòng chống đuối nước ở trẻ em. Tuy chưa có chuẩn về rào chắn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhưng có thể nghiên cứu học tập mô hình này ở các nước có thu nhập cao và điều chỉnh theo thực tế từng địa phương. Việc lắp đặt rào ngăn trẻ tiếp xúc với nguồn nước gồm 5 bước: Đánh giá tình hình liên quan đến rào chắn nguồn nước; Xác định nhóm trẻ cần bảo vệ: Những trẻ sẽ phụ thuộc vào rủi ro với nước và rào chắn phù hợp nhất để bảo vệ; Thiết kế và triển khai can thiệp bằng rào chắn; Thực thi các quy định hỗ trợ triển khai can thiệp; Theo dõi và đánh giá các can thiệp.
Dạy trẻ tập bơi.
Dạy cho học sinh (từ 6 tuổi) kỹ năng bơi và an toàn trong môi trường nước
Tổng quan năm 2014 về chương trình dạy bơi ở các nước có thu nhập cao cho thấy có bằng chứng về việc giảm tỷ lệ đuối nước nhờ biết bơi. Việc dạy trẻ bơi cũng có thể gây nguy hiểm nếu không có các biện pháp an toàn phù hợp. Các nước có thu nhập cao đã xây dựng chương trình chính khóa để dạy bơi cho học sinh, chương trình được Chính phủ ủng hộ, được chứng nhận bởi cơ quan chức năng, được dạy bởi giáo viên đã được đào tạo và có chứng nhận, được đánh giá về hiệu quả học tập và được thử nghiệm về độ an toàn.
Xây dựng khả năng chống chịu, quản lý rủi ro lũ lụt và các nguy cơ khác
Lũ lụt gây ảnh hưởng lớn tới nhiều người trên thế giới hơn bất kỳ hiểm họa thiên tai nào và đuối nước được nhận định là nguyên nhân đáng kể nhất trong tử vong do lũ lụt, đặc biệt là ở châu Á. Xây dựng khả năng chống chịu lũ lụt và các nguy cơ liên quan giúp cộng đồng được an toàn hơn trước nước lũ (thông qua đê, các tòa nhà chống lũ, hệ thống cảnh báo...) và có sự chuẩn bị để tiếp cận nơi trú ẩn hoặc mặt đất an toàn hơn nếu xảy ra rủi ro.
Tập huấn cứu hộ và hồi sức cấp cứu an toàn
Những người không được huấn luyện có khuynh hướng giúp những người đang gặp nguy hiểm - ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt - mà tự đặt mình vào nguy cơ đuối nước. Việc tập huấn bài bản cho phép người ta hành động một cách an toàn hơn khi thực hiện việc cứu hộ. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, những người có mặt để cứu trẻ đuối nước thường là những đứa trẻ khác, vì vậy cần xem xét các biện pháp can thiệp để tập huấn về cứu hộ an toàn và hồi sức cho trẻ em. Độ tuổi thích hợp mà một đứa trẻ có thể bắt đầu học các kỹ năng cứu hộ và hồi sức an toàn phụ thuộc vào thể trạng. Hầu hết trẻ em có khả năng thể trạng phù hợp ở tuổi 12 và nghiên cứu chỉ ra rằng thậm chí trẻ có thể học các kỹ thuật này sớm hơn.
Thiết lập và thực thi quy định an toàn sử dụng thuyền, bè và phà
Đảm bảo an toàn trong vận chuyển đường thủy cho các tàu lớn và nhỏ đòi hỏi cả can thiệp về pháp lý và giáo dục, do đó phụ thuộc vào các sáng kiến thay đổi hành vi như việc tổ chức tập huấn cho nhân viên trên tàu, tạo ra một nền văn hóa an toàn và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Các chuyên gia về an toàn xem quy định, thực thi và phát triển một nền văn hóa an toàn là biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện sự an toàn của các tàu bè lớn. Việc cải thiện an toàn trên các tàu nhỏ cũng vô cùng quan trọng.