Hà Nội

Can thiệp phình mạch chủ ngực bằng stent graft

05-03-2012 13:23 | Bệnh thường gặp
google news

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội vừa can thiệp thành công một trường hợp phình động mạch chủ (ĐMC) ngực rất lớn bằng dụng cụ stent graft. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật đặt stent graft được ứng dụng tại BV Đại học Y Hà Nội.

Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội vừa can thiệp thành công một trường hợp phình động mạch chủ (ĐMC) ngực rất lớn bằng dụng cụ stent graft. Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật đặt stent graft được ứng dụng tại BV Đại học Y Hà Nội.

Một bệnh nhân phình ĐMC kỷ lục

Bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn C., 55 tuổi (Hà Nội), phát hiện chứng viêm tắc động mạch từ năm 1988. Bệnh tiến triển làm anh hoại tử, rụng mất 2 đốt ngón chân trái. Năm 1996, anh mổ cấp cứu phình ĐMC bụng tại BV Việt Đức, được cắt đi đoạn phình và thay bằng đoạn mạch khác. May mắn được cứu sống nhưng anh vẫn biết mình không thể như một người bình thường, đi một đoạn ngắn là đã mệt, hụt hơi, chân mỏi rã rời không bước nổi. Mọi sinh hoạt đều rất nhẹ nhàng, từ tốn. Trước Tết Nhâm Thìn, anh lại thấy đau vùng bụng như người đau dạ dày, ăn vào là khó chịu, không ăn uống được nhiều. Anh đến Bệnh viện Bưu điện khám dạ dày, kết quả không phải anh mắc bệnh dạ dày. Các bác sĩ siêu âm tim và mạch máu phát hiện thấy ĐMC phình 2 chỗ, chỗ dưới phình 5,5cm; chỗ trên 8,6cm. Anh được các bác sĩ BV Bưu điện gửi ngay đến BV Việt Đức để mổ cấp cứu. Tại BV Việt Đức, sau khi hội chẩn, các bác sĩ khuyên anh nên đến Trung tâm Tim mạch để được can thiệp kịp thời. “Các bác sĩ giải thích cho tôi vì lần trước mổ ở Việt Đức là bị tắc ĐMC bụng, phẫu thuật dễ dàng hơn; hiện tại, bị phình ĐMC ngực, nếu phẫu thuật sẽ khó và lâu hơn, vậy là tôi được chuyển đến đây và chỉ sau tiếng rưỡi đồng hồ tôi đã được cứu sống” - BN C. cười và nói với tôi như vậy sau những giây phút các bác sĩ đã giành giật với tử thần để đưa anh trở lại cuộc sống.

 Bệnh nhân Nguyễn Văn C. ngay sau khi được can thiệp đặt stent graft.
Rút  ngắn 1/8 thời gian cứu sống bệnh nhân

TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y Hà Nội, người trực tiếp can thiệp cho BN C. cho biết: BN C. bị phình ĐMC do bệnh lý thành mạch. ĐMC là động mạch lớn nhất, đưa máu từ tim đi nuôi hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Thông thường, đường kính của ĐMC bụng khoảng 2cm. BN C. có chỗ phình to nhất chiếm kỷ lục xấp xỉ 10cm, nguy cơ tử vong rất cao vì ĐMC có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Phình ĐMC là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao (80%). Ở Việt Nam, số bệnh nhân phình bóc tách ĐMC được phát hiện ngày càng nhiều. Bệnh hay gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, do bất thường về gen, do nhiễm khuẩn hoặc do chấn thương…

Nguy hiểm của bệnh là gây thiếu máu cho toàn bộ cơ thể khiến các cơ quan bị suy yếu, gây thiếu máu não, tủy, vàng da do vỡ hồng cầu, huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn ca bệnh gần như không có triệu chứng. Bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua chụp phim tim phổi.

Trước đây, giải pháp điều trị phình ĐMC là phẫu thuật (thay đoạn mạch bị phình tách bằng một mạch nhân tạo). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong khi áp dụng phương pháp này còn khá cao và có thể có khá nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thận và ruột… Với kỹ thuật đặt stent graft (một giá đỡ được làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng bọc) vào ĐMC, các bác sĩ đã tạo cơ hội sống cho những bệnh nhân bị phình tách thành ĐMC mà khó tiến hành phẫu thuật. ThS.BS. Lê Văn Tú - Trung tâm Tim mạch, BV Đại học Y, người cùng tham gia kíp phẫu thuật cho biết: Đây là một thủ thuật được phối hợp chặt chẽ của các ê-kíp ngoại khoa, nội khoa và gây mê hồi sức. Sau khi chụp ĐMC xác định kích thước chỗ phình cụ thể, ThS.BS. Vũ Ngọc Tú - Khoa phẫu thuật lồng ngực Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành bộc lộ động mạch đùi trái sau đó đưa stent graft ĐMC qua vết rạch động mạch đùi trái lên ĐMC ngực, đặt ở vị trí trên động mạch thân tạng. Thả stent graft, chụp kiểm tra lại, động mạch thân tạng không bị chèn ép, rút toàn bộ hệ thống, hoàn tất quá trình đặt stent graft. “Lúc này, dụng cụ sẽ có tác dụng như một hàng rào vững chắc bảo vệ thành ĐMC, giảm nguy cơ bị vỡ ĐMC” - TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu giải thích thêm.

Một điều đặc biệt nữa là ca can thiệp lần này, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp gây tê đám rối thần kinh đùi do PGS.TS. Nguyễn Hữu Tú - Trưởng khoa Gây mê, BV Đại học Y trực tiếp thực hiện thay cho phương pháp gây mê nội khí quản trước kia, BN tránh được các nguy cơ về hô hấp trước, trong và sau khi can thiệp. 

3 ngày sau can thiệp, bệnh nhân cảm thấy bình thường, không đau bụng, đau ngực, vết mở động mạch đùi cũng rất tốt. Bệnh nhân chụp lại CT scan ĐMC bụng sau đó và ra viện.

 Giảm hơn 3 lần chi phí 

So với phương pháp mổ truyền thống, kỹ thuật đặt stent graft vào ĐMC sẽ giúp giảm biến chứng và bệnh nhân chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn, đồng thời, kỹ thuật này cũng mở ra triển vọng mới để điều trị cho các BN bị phình tách ĐMC ngay ở trong nước với chi phí thấp hơn nhiều lần so với nước ngoài (chỉ bằng 1/3 kinh phí điều trị).

BV Đại học Y Hà Nội là đơn vị thứ 2 sau Viện Tim mạch Quốc gia hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật can thiệp phình ĐMC ngực do các bác sĩ Việt Nam thực hiện. Thành công này đã góp thêm một địa chỉ tin cậy cho các BN mắc các bệnh lý mạch nguy hiểm; khẳng định bước tiến mới trong lĩnh vực can thiệp tim mạch của các bác sĩ Việt Nam...

Mai Linh


Ý kiến của bạn
Tags: