Hà Nội

Can thiệp nút mạch cứu quả thận duy nhất của cô gái trẻ

18-09-2023 16:14 | Y tế
google news

SKĐS - Bằng phương pháp can thiệp nút mạch cầm máu và điều trị các khối u có nguy cơ chảy máu, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cứu được quả thận duy nhất chứa đầy khối u của bệnh nhân, giúp tránh được nguy cơ phải cắt thận và chạy thận suốt đời.

Người bệnh là C.T.T.T (23 tuổi, ở Tam Nông, Phú Thọ) có tiền sử phẫu thuật cắt thận trái từ lúc 10 tuổi. Hiện tại, người bệnh chỉ còn một quả thận phải.

Người bệnh đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau bụng bên phải. Qua thăm khám, chụp cắt lớp vi tính phát hiện rất nhiều khối u mạch cơ mỡ ở thận phải, các khối u kích thước từ nhỏ vài milimet đến rất lớn hàng chục centimet  và có chảy máu từ khối u ở cực trên thận.

photo-1695027133819

Hình ảnh phim chụp cho thấy rất nhiều khối u với kích thước khác nhau ở quả thận phải. Ảnh: BVCC.

Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa Ngoại Tiết niệu và Điện quang can thiệp, các bác sĩ thống nhất điều trị cho người bệnh bằng phương pháp can thiệp nút mạch cầm máu và nút mạch các khối u có nguy cơ chảy máu.

Sau khoảng 1 giờ thực hiện thủ thuật, tổn thương chảy máu ở khối u cực trên thận đã được nút kín hoàn toàn, kèm theo đó các bác sĩ thực hiện nút mạch một số khối u lớn khác có nguy cơ chảy máu về sau.

photo-1695027135147

Ekip can thiệp nút mạch cho người bệnh. Ảnh: BVCC.

Sau can thiệp 5 ngày, người bệnh dần hồi phục và được xuất viện. Người bệnh tiếp tục theo dõi kiểm tra định kỳ tại bệnh viện và hiện tại sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

photo-1695027135766

Hình ảnh thận của bệnh nhân trước và sau khi can thiệp nút mạch. Ảnh: BVCC.

TS.BS Trần Quang Lục – Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: "U mạch cơ mỡ thận (Renal Angiomyolipomas) là loại u lành tính khá thường gặp. Tuy nhiên, có rất nhiều u mạch cơ mỡ của thận như trường hợp người bệnh T. rất hiếm.

Điểm đặc biệt của ca bệnh này là người bệnh chỉ còn 1 thận duy nhất, nên phương pháp điều trị cũng phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, làm sao để đạt hiệu quả và tránh ảnh hưởng đến chức năng của thận".

Theo bác sĩ Lục, phương pháp nút mạch cầm máu và nút cả các khối u khác của thận có nguy cơ chảy máu là phương pháp tối ưu nhất để đạt mục tiêu. Nếu không nút mạch thì chắc chắn phải điều trị ngoại khoa cắt thận, như vậy người bệnh sẽ phải chạy thận chu kỳ suốt đời.

BS.CKI Lê Tiến Hưng – Phó Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bãi Cháy thông tin thêm: "Việc loại bỏ các khối u là cần thiết để tránh cho bệnh nhân những nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như vỡ u, chảy máu, đái ra máu ồ ạt. Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở có thể bóc tách khối u nhưng bệnh nhân sẽ phải trải qua một cuộc đại phẫu nặng nề với thời gian kéo dài và một loạt tai biến tiềm ẩn như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ.

Do đặc điểm của u là có nhiều búi mạch máu dị dạng và nguồn cấp máu cho u rất phức tạp, tổ chức cơ, mỡ đè lên các cấu trúc xung quanh nên vấn đề bóc tách u là thách thức lớn cho các bác sĩ phẫu thuật.

Bệnh nhân thường sẽ đối diện với nguy cơ cắt bỏ một phần nhu mô thận lành hoặc cắt toàn bộ một bên thận. Vì vậy, can thiệp nút mạch điều trị là lựa chọn ưu việt trong điều trị các khối u cơ mỡ mạch thận kích thước to hoặc u có biến chứng".

Chuyện giờ mới kể về ca bệnh đột biến gene ACE lần đầu tiên được phát hiện tại Việt NamChuyện giờ mới kể về ca bệnh đột biến gene ACE lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam

SKĐS - 'Sau khi đi đã đi vòng Hà Nội suốt một tháng liền để khám cho thai nhi hơn 20 tuần tuổi thiểu ối mà vẫn không tìm ra được câu trả lời thoả đáng, chị N.T.O ở Thanh Trì Hà Nội tưởng như không còn hi vọng. Chị O được mách tới Trung tâm can thiệp bào thai, BV Phụ sản Hà Nội.


Hạnh Chi
Ý kiến của bạn