Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là bệnh ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể gây đau tức ở cẳng chân, ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt. Trong một số trường hợp, bệnh có thể dẫn đến hình thành các cục máu đông và gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển gây tắc mạch phổi, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tổn thương có thể gặp ở tĩnh mạch nông, tĩnh mạch xiên, tĩnh mạch sâu hoặc ở cả 3 hệ tĩnh mạch của chi dưới.
Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới thường là điều trị thuốc (điều trị nội khoa) và phẫu thuật (điều trị ngoại khoa). Gần đây phương pháp can thiệp nội mạch trong điều trị suy - giãn tĩnh mạch nông chi dưới đã được thực hiện và mang lại hiệu quả cao trong điều trị căn bệnh này.
Hình ảnh tĩnh mạch bình thường (trái) và giãn tĩnh mạch (phải).
Các nguy cơ có thể gây bệnh
Các yếu tố nguy cơ được ghi nhận là:
Tuổi: là yếu tố nguy cơ chính. Tỷ lệ suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ở độ tuổi 70 có tới 70% dân số có suy tĩnh mạch.
Di truyền và giới tính: Trong các gia đình có người mắc bệnh suy tĩnh mạch thì khả năng mắc bệnh của thế hệ sau tăng gấp 2 lần, và khi cả cha và mẹ đều bị bệnh thì khả năng mắc bệnh của con cái lên tới 89%. Bệnh hay gặp ở nữ cao hơn là nam, có thể gặp cả dạng giãn tĩnh mạch dạng mao mạch (telangiectasia) hay dạng lưới (reticular veins).
Nghề nghiệp: Công việc đòi hỏi đứng lâu hay ngồi lâu làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Một số nghiên cứu thấy rằng 84% phụ nữ làm việc trong phòng mổ, nhà giặt bị giãn tĩnh mạch. Nguy cơ tăng dần theo thời gian làm việc. Làm việc trong môi trường nóng, nâng vật nặng hay ngồi nhiều làm tăng thêm nguy cơ.
Béo phì: Tình trạng béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là ở nữ. Hiện nay, cùng với nhịp sống hiện đại, nhiều người mắc chứng béo phì cũng kéo theo nguy cơ mắc bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới.
Phát hiện bệnh thế nào?
Người bệnh thường không có triệu chứng hay triệu chứng nhẹ trong trường hợp giãn tĩnh mạch trong da, giãn tĩnh mạch dạng lưới hay giãn nhẹ thân tĩnh mạch, chủ yếu ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến người bệnh chú ý. Nếu bệnh để lâu và không được điều trị gì, dần dần sẽ thấy cảm giác đau, nặng chân nhất là về chiều, tê, nóng rát, ngứa.
Phù chân nhẹ, thường là ở vùng cổ chân, nặng dần về chiều, sau một ngày làm việc, giảm khi nằm kê chân cao, tiếp xúc với lạnh hoặc mang vớ thun băng ép. Một số người bệnh thấy các dấu hiệu khác như chuột rút vào ban đêm, cảm giác mỏi chân.
Các thay đổi ở da do biến dưỡng như rối loạn sắc tố da, viêm da hạ bì, chàm hóa, teo da, loét...
Khi có các dấu hiệu đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thêm xét nghiệm siêu âm Doppler màu, siêu âm giúp chúng ta xác định chức năng van của tĩnh mạch, các nhánh xuyên, tĩnh mạch sâu. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, kết quả chính xác và có thể thực hiện nhiều lần.
Tiến triển và biến chứng của bệnh
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng dần. Theo diễn tiến lâm sàng, bệnh được chia thành 2 giai đoạn:
Thời kỳ đầu (hay còn gọi là thời kỳ còn bù): Bệnh nhân có cảm giác tức, nặng và mỏi ở chi dưới khi đứng lâu, có thể xuất hiện phù nề nhẹ ở cẳng - bàn chân vào cuối ngày làm việc và đặc biệt khi nghỉ ngơi thì hết phù nề. Thời kì sau (thời kỳ mất bù): thường xuyên có cảm giác tê chân, ngứa da vùng tổn thương, đau nhiều ở chân khi đi bộ. Triệu chứng phù nề không mất đi khi nghỉ ngơi. Các tổn thương da do loạn dưỡng như: viêm da, xơ cứng da, loét...
Nếu người bệnh không được điều trị kịp thời sẽ có các biến chứng như: viêm tắc tĩnh mạch nông, hình thành huyết khối ở tĩnh mạch bị giãn do tình trạng ứ trệ. Huyết khối có thể trôi vào hệ sâu và xa hơn nữa có thể gây biến chứng thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng người bệnh. Có thể bị xuất huyết do vỡ tĩnh mạch giãn thường là do chấn thương, có thể chấn thương nhẹ vào vùng tĩnh mạch giãn, hiếm khi vỡ tự nhiên. Chảy máu có thể nguy hiểm nếu vỡ các thân tĩnh mạch nông chính. Ngoài ra, tại da sẽ bị xơ mỡ da, cụ thể da trở nên chai cứng lại và bóng, hay da bị teo da trắng, vùng da tổn thương tăng sắc tố và nhợt nhạt, da rất yếu và dễ bị chấn thương, có thể kết hợp loét da tại vùng teo da này. Loét thường nhiều ổ, kích thước nhỏ, rất đau và chậm lành.
Có thể trên da có các vùng bị chàm do những bất thường về mao mạch, ứ máu tĩnh mạch. Bề mặt da thường khô, láng và rất ngứa. Nặng hơn nữa, người bệnh có thể bị loét chân. Đây được xem là biến chứng da cuối cùng và nặng nề nhất của suy tĩnh mạch. Loét chân do tĩnh mạch thường khu trú ở vùng thấp của cẳng chân đến phía trên mắt cá trong, rất hiếm khi xảy ra ở mu bàn chân hoặc ngón chân. Khởi đầu loét có thể âm thầm hoặc đột ngột sau chấn thương, xuất huyết do vỡ tĩnh mạch giãn, nhiễm khuẩn da.
Điều trị thế nào?
Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới cần được điều trị tại các trung tâm chuyên sâu về bệnh này. Trước tiên, cần điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, có thể kết hợp với một loại tất đặc biệt, gọi là “tất y khoa (hay vớ y khoa)” sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và giảm các triệu chứng.
Phẫu thuật bằng phương pháp Stripping lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng một dụng cụ chuyên dùng cho phép rút các tĩnh mạch và lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xiên. Đây là phương pháp điều trị khá triệt để, có tỷ lệ tái phát thấp và hiện nay được áp dụng nhiều trung tâm trong nước. Ngoài ra, hiện nay người ta còn áp dụng phương pháp can thiệp nội mạch loại bỏ tĩnh mạch suy bằng tiêm chất tạo bọt; điều trị bằng laser nội mạch hay phương pháp dùng năng lượng sóng có tần số radio... có tỷ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn, ít tai biến và có tính thẩm mỹ cao.
BS. Ngô Tuấn Anh (BV Trung ương Quân đội 108)