Hình ảnh mạch não bệnh nhân T. trước khi can thiệp.
Bệnh nhân Phan Thu T. (sinh năm 1993), ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được đưa vào bệnh viện E ngày 9/4 với triệu chứng đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn kèm rối loạn ý thức. Người nhà kể lại cách đây mấy tháng, bệnh nhân xuất hiện đau đầu không rõ nguyên nhân, đã uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy hình ảnh xuất huyết não. Bệnh nhân được chụp dựng hình mạch não do nghi ngờ vỡ dị dạng mạch não vùng tiểu não. Kết quả chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) cho thấy hình ảnh dị dạng thông động tĩnh mạch vùng hố sau, kích thước 20x25mm, có ổ giả phình 4mm vị trí đỉnh dị dạng. Ê kíp can thiệp mạch não Bệnh viện E được sự hỗ trợ của các Bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Bạch Mai đã tiến hành can thiệp nội mạch nút búi dị dạng vào ngày 11/4.
GS. TS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: Dị dạng động tĩnh mạch não là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não, không đi qua hệ mao mạch bình thường của não, không cấp máu cho nhu mô não, khi vỡ gây đột quỵ chảy máu não. Đây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh. Mục tiêu điều trị dị dạng động tĩnh mạch não là loại bỏ khối dị dạng ra khỏi tuần hoàn não với 3 phương pháp hiện đang được áp dụng như: Phẫu thuật mở: mở hộp sọ, kẹp và cắt các mạch máu dị dạng; Phương pháp xạ trị: không mổ, dùng chùm tia xạ chiếu từ ngoài làm tổn thương các tế bào thành mạch bệnh lý, làm hẹp dần và tắc các mạch dị dạng và Phương pháp can thiệp nội mạch: không mổ, dùng ống thông nhỏ đi qua động mạch đùi lên não, sử dụng chất gây tắc là keo hoặc Onyx để bơm tắc dị dạng động tĩnh mạch qua ống thông (nút mạch).
Thông thường những dị dạng nhỏ hơn 3cm và cấu trúc đơn giản, có thể được điều trị triệt để bằng phương pháp nút mạch. Những dị dạng lớn hơn và cấu trúc phức tạp thường được điều trị phối hợp các phương pháp. Với các trường hợp này, các bác sĩ thường nút mạch trước để làm giảm bớt kích thước dị dạng, sau đó phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật tia xạ. Tùy tình trạng toàn thân và tổn thương của mỗi bệnh nhân, phương pháp và kế hoạch điều trị sẽ được lựa chọn một cách phù hợp nhất. Trường hợp của bệnh nhân T. đã được can thiệp nút mạch điều trị dị dạng động tĩnh mạch não.
Ảnh mạch não bệnh nhân T. sau can thiệp (không còn đám mạch dị dạng nữa).
Kỹ thuật được thực hiện bởi bác sĩ can thiệp mạch thần kinh trên máy chụp mạch DSA. Bệnh nhân được gây mê. Một ống thông dẫn đường kích thước 2mm được đưa vào động mạch đùi, ngược dòng máu lên cổ. Một ống thông nhỏ được đưa qua ống dẫn đường để lên não, theo dòng máu của nhánh động mạch cấp máu đến sát khối dị dạng. Chất gây tắc được bơm qua ống thông để làm tắc ổ mạch dị dạng. Nếu có nhiều nhánh mạch cấp máu cho tổn thương thì cần tách từng nhánh, có thể trong một hoặc vài đợt điều trị. Sau khi chụp kiểm tra đánh giá kết quả, ống thông được rút ra khỏi động mạch đùi và băng ép vị trí chọc động mạch.
Cũng theo GS. TS. Lê Ngọc Thành, gần đây điện quang can thiệp Việt Nam đã triển khai áp dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới, đặc biệt phương pháp can thiệp nội mạch đã phát triển nhanh chóng. Hiện nay ở các trung tâm lớn trên thế giới phương pháp can thiệp nội mạch được lựa chọn đầu tiên vì tỉ lệ hồi phục tốt hơn và ít di chứng hơn, bệnh nhân không phải chịu đựng một cuộc mổ nặng nề, thời gian hậu phẫu và nằm viện giảm.
Bệnh viện E đã làm chủ và đi đầu trong các kỹ thuật can thiệp bệnh lý tim mạch, tiêu hóa, cơ xương khớp... và hiện đã cử các ê kíp bác sĩ đi đào tạo và đã triển khai thành công các kỹ thuật can thiệp mạch thần kinh.
GS. Thành khuyến cáo: Những bệnh nhân khởi phát đau đầu đột ngột, cơn đau dữ dội, hoặc đau đầu kéo dài, hay tái phát, không rõ nguyên nhân, nhất là ở người trẻ thì cần tầm soát nguyên nhân bằng chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ. Nếu kết quả có chảy máu trong não, nghi do dị dạng động-tĩnh mạch thì phải chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA) để đánh giá chi tiết hình thái cấu trúc dị dạng mạch máu não, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.