Hà Nội

Can thiệp lối sống, ngừa đái tháo đường týp 2

08-04-2016 22:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong vòng 20 năm trở lại đây, cộng đồng quốc tế đã tốn khá nhiều công sức để chống lại bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 - căn bệnh được xem là “đại dịch của thế kỷ”.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, cộng đồng quốc tế đã tốn khá nhiều công sức để chống lại bệnh đái tháo đường (ĐTĐ)  týp 2 - căn bệnh được xem là “đại dịch của thế kỷ”. Nhưng bệnh có thể ngăn ngừa được nếu có những biện pháp tích cực và phù hợp, can thiệp vào nhóm người dễ mắc bệnh...

Nguyên nhân nào gây bệnh?

Theo PGS.TS. Tạ Văn Bình - Chuyên gia đầu ngành về ĐTĐ và rối loạn chuyển hóa, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy ĐTĐ týp 2 là hậu quả của sự tương tác giữa yếu tố gene và môi trường. Thiếu một trong hai điều kiện trên thì bệnh không thể phát triển. Tuy nhiên, ngoài yếu tố gene thì sự phát triển bệnh thành đại dịch có những nguyên nhân chính sau đây:

Nguyên nhân hàng đầu là sự thay đổi về lối sống được phản ánh rõ nhất ở hai khía cạnh giảm hoạt động thể lực và chế độ ăn giàu năng lượng, ít chất xơ. Hậu quả là mức năng lượng được cung cấp vượt xa mức năng lượng mà cơ thể tiêu hao cho các hoạt động sống và làm việc. Năng lượng dư thừa được tích lũy lại. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì - căn bệnh đặc trưng của thế kỷ. Bệnh béo phì, đặc biệt béo bụng, được xem là yếu tố “đương nhiên” tiến tới kháng insulin và hội chứng rối loạn chuyển hóa và cũng là “đương nhiên” tiến tới ĐTĐ týp 2. Giảm dung nạp glucose và rối loạn đường huyết lúc đói là tình trạng trung gian từ kháng insulin tiến tới đái tháo đường týp 2.

Một số yếu tố được coi là có nguy cơ cao khác dễ có khả năng phát triển bệnh ĐTĐ, đó là: người 45 tuổi trở lên; người béo phì, người có vòng eo trên 90cm đối với nam và 80 đối với nữ; người có người thân thuộc thế hệ cận kề (bố, mẹ, con, anh, chị em ruột) đã mắc bệnh ĐTĐ týp 2; phụ nữ có tiền sử sản khoa đặc biệt (thai chết lưu, sẩy thai; ĐTĐ thai kỳ; sinh con to trên 4.000 gram - với người Việt Nam từ 3.600 gram trở lên đã phải được chú ý); người có tiền sử cân nặng khi sinh thấp dưới 2.500 gram; tăng huyết áp vô căn; người có tiền sử rối loạn dung nạp glucose hoặc suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói; người có bệnh mạch vành hoặc đột quỵ; người có nghề nghiệp tĩnh tại ít hoạt động thể lực.

Nguyên nhân thứ hai, ngày càng được nhắc tới nhiều là các stress. Thực tế cho chúng ta thấy, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tình hình an ninh xã hội ngày càng có những diễn biến phức tạp; đi đâu, làm gì cũng gặp stress. Có những chuyên gia đã nói, ngày nay stress đã vào trong mỗi căn nhà, leo cả lên giường ngủ của mỗi người. Các stress đã đóng góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển bệnh ĐTĐ týp 2 - nhất là ở các quốc gia đang phát triển.

Thay đổi lối sống sẽ ngừa được hơn 50% tỷ lệ mắc bệnh

Hiện nay, y học chưa đủ khả năng can thiệp vào bệnh lý của gen, tuổi, giới... nhưng can thiệp vào các yếu tố môi trường để hạn chế sự phát triển của bệnh thì chúng ta có thể làm được - PGS.TS. Tạ Văn Bình chia sẻ. Đã có nhiều nghiên cứu can thiệp vào lối sống bằng chế độ ăn, chế độ luyện tập hoặc dùng thuốc; hoặc phối hợp cả hai. Những kết của của các nghiên cứu này rất đáng khích lệ. Từ nhiều năm nay Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa đã có dự án “Can thiệp vào lối sống để phòng chống bệnh đái tháo đường týp 2 trong cộng đồng” - dự án được tài trợ bởi Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới, đối tượng can thiệp là nhóm người có yếu tố nguy cơ ở tỉnh Ninh Bình.

Kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân. Ảnh: TM

Bằng kinh nghiệm thực tế và học hỏi từ các quốc gia phát triển, PGS. Bình khẳng định: Để phòng chống bệnh có hiệu quả thì việc đầu tiên phải làm là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức cơ bản về bệnh trong cộng đồng; mạng lưới y tế cơ sở phải đảm bảo được nhiệm vụ phát hiện và quản lý tốt nhóm người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao; tiến tới xây dựng được bảng các chỉ số đánh giá yếu tố nguy cơ.

Thực tế vào những năm 2003-2005, ngành y tế Việt Nam đã nghiên cứu can thiệp dự phòng bằng lối sống ở Nam Định - Thái Bình. Kết quả giảm tỷ lệ mắc mới bệnh ĐTĐ týp 2 tới 52-55%. Từ năm 2011-2015, với sự tài trợ từ Quỹ Đái tháo đường quốc tế (WDF), Viện Đái tháo đường - Rối loạn chuyển hóa đã can thiệp bằng cách thay đổi lối sống, vào 70.000 người ở Ninh Bình, làm giảm tỷ lệ mắc mới đến 58%.

Nhưng để làm được điều đó, người có yếu tố nguy cơ cao cần phải bảo vệ chính mình bằng cách: với người từ 40 tuổi trở lên nếu có thêm 2 yếu tố nguy cơ - như kể trên thì phải đến các cơ sở chuyên khoa để thăm khám; còn người trên 45 thì chỉ cần có thêm một yếu tố nguy cơ đã phải có lịch kiểm tra lượng đường máu 3-6 tháng/một lần.

Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi mọi người chung tay chống bệnh ĐTĐ. WHO cho biết, trong mấy chục năm qua, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ toàn cầu đã tăng khá nhanh. Dự kiến, số người mắc bệnh ĐTĐ tăng từ 138 triệu người năm 2014 lên 202 triệu người vào năm 2035 nếu thế giới không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt. WHO phổ biến một số thông tin cơ bản về căn bệnh này, gồm: Bệnh ĐTĐ không thể chữa được nhưng kiểm soát được. Nếu người bị bệnh này dùng thuốc thường xuyên thì có thể kiểm soát được bệnh và sống cuộc sống bình thường. Hầu hết bệnh nhân ĐTĐ phải dùng thuốc suốt đời. Mức độ đường huyết hoặc bình thường là dưới 6,1 millimoles mỗi lít (mmol/L) hoặc 110mg mỗi đề-xi-lít (mg/dL). Ở mức 6,1mmol/L hoặc 110mg/dL, bạn có thể đã bị suy giảm đường huyết lúc đói. Ở mức 7,0 mmol/L hoặc 126mg/dL, bạn có thể đã bị bệnh ĐTĐ.


Trọng Nhân (ghi)
Ý kiến của bạn