Hà Nội

Can thiệp dinh dưỡng đúng và sớm giúp người bệnh ung thư nâng cao thể trạng

06-10-2021 11:43 | Dinh dưỡng
google news

Điều trị ung thư là điều trị đa mô thức, tùy theo tình trạng bệnh và giai đoạn mắc, tổn thương ở tổ chức cơ quan để quyết định điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, tế bào đích.

Khi tiêu diệt tế bào ung thư thì tế bào lành cũng bị ảnh hưởng, trong đó có tế bào niêm mạc dạ dày, khiến người bệnh có thể gặp phải tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng…Sự can thiệp dinh dưỡng đúng và sớm trong quá trình điều trị có vai trò rất quan trọng với người bệnh ung thư.

Trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề "Can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư khi điều trị" do Báo Sức khoẻ & Đời sống - Cơ quan Ngôn luận của Bộ Y tế thực hiện, GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng đã chia sẻ và tư vấn về chế độ dinh dưỡng khoa học, giúp người bệnh ung thư đáp ứng tốt các phương pháp điều trị, đồng thời nâng cao thể trạng để phục hồi tốt hơn.

Cung cấp các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng tuỳ thuộc vào thể trạng mỗi người bệnh

Nhiều người bệnh chưa có đủ kiến thức dinh dưỡng nên chọn cách loại bỏ thịt, mỡ mà chỉ ăn cơm với rau hoặc ăn chay. Thực tế, khi cơ thể mắc bệnh ung thư đồng nghĩa một số tế bào, chuyển hóa trong cơ thể bị ảnh hưởng. Quan niệm "bỏ đói tế bào ung thư" đồng nghĩa với việc tế bào lành cũng bị bỏ đói, làm cho cơ thể suy mòn, suy kiệt, bị thiếu máu. Không ăn đủ protein thì không có nguyên liệu sản sinh ra tế bào máu, tế bào cơ, làm giảm tế bào hồng cầu, bạch cầu, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, thiếu lớp cơ, mất khối nạc khối cơ trong cơ thể.

Người bệnh ung thư vẫn phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, protein, khoáng chất vitamin để giữ cho cơ thể không bị sụt cân. Đó là điều quan trọng nhất. Thứ hai là không bị giảm các khối cơ. Bởi khi truyền hóa chất hoặc tác động tia xạ trên người khối cơ ít sẽ ảnh hưởng tới protein trong máu và ảnh hưởng tới chuyển hóa các chất dinh dưỡng khác trong cơ thể.

Can thiệp dinh dưỡng đúng và sớm giúp người bệnh ung thư nâng cao thể trạng - Ảnh 1.

Người bệnh ung thư vẫn phải ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng (ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, người bệnh ung thư phải ăn đủ về năng lượng. Năng lượng trong khẩu phần từ tinh bột (cơm, cháo phở mỳ miến, khoai củ,...). Thứ hai, nguồn năng lượng từ đạm (thịt cá cua trứng sữa,...) vừa cung cấp năng lượng và cơ. Thứ ba, năng lượng từ dầu mỡ. Đặc biệt, năng lượng từ dầu mỡ rất cao. 1g protein cung cấp 4 KCAL, hay 1g carbonhydrat là 4 KCAL, nhưng 1g lipid cho 9 KCAL, đó là những nguồn năng lượng rất cần thiết với người bệnh.

Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân. Nếu trên nền bệnh nhân ung thư thừa cân béo phì thì chúng ta cần kiểm soát lượng mỡ ăn vào, để tránh dư thừa mỡ tích tụ lại trong các mô mỡ của cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa mỡ. Lúc đó cholesterol nhiều, triglyceride nhiều, bên cạnh ung thư lại phát sinh ra các bệnh khác về mạch máu hoặc tim mạch.

Nhóm chất rất quan trọng nữa là rau và hoa quả, cung cấp hàm lượng vitamin và khoáng chất cơ thể cần. Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Các vitamin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong miễn dịch là vitamin A, C, E, D, vitamin nhóm B. Thức ăn giàu vitamin gồm hoa quả họ cam quýt như cam, bưởi, quả kiwi, ổi, táo,....

Vitamin D có nhiều trong sữa, trứng, thịt, cá, đặc biệt là ánh nắng mặt trời. Vì vậy người bệnh ung thư cần tắm nắng hàng ngày để có hàm lượng vitamin D quý. Kể cả người bình thường cũng nên tận hưởng nguồn vitamin D tự nhiên này.

Vitamin nhóm B ngoài chuyển hóa carbonhydrate còn kích thích sự thèm ăn, ngon miệng. Vitamin B12 (acid folic) có vai trò trong tạo máu đối với người bệnh ung thư.

Các khoáng chất như kẽm, canxi, sắt, selen…cũng cần được bổ sung đầy đủ.

Can thiệp dinh dưỡng đúng và sớm giúp người bệnh ung thư nâng cao thể trạng - Ảnh 1.

GS.TS. Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng

Bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh ung thư bằng soup cao năng lượng

Thông thường, sau mỗi đợt điều trị hoá trị, xạ trị, bệnh nhân rất mệt mỏi, cảm giác đói nhưng không muốn ăn, ngửi mùi thức ăn đã buồn nôn. Khi đó, việc tiếp nhận thức ăn trở nên khó khăn hơn, có thể cho bệnh nhân ăn các thức ăn được chế biến dạng lỏng như súp, sữa, hoặc bổ sung các dòng thực phẩm như súp cao năng lượng, sữa cao năng lượng để giúp bệnh nhân hồi phục tốt hơn.

Cần lưu ý, tất cả những thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không có vai trò điều trị mà chỉ hỗ trợ điều trị ung thư, cung cấp chất chống oxy hóa, khoáng chất tăng cường miễn dịch. Chúng ta không nên tốn kém quá nhiều tiền bạc và nghĩ rằng sẽ giúp người bệnh chữa được ung thư. Ung thư nhất định phải can thiệp hoặc bằng phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị, hoặc tế bào đích. Bên cạnh các mô thức đó, sẽ dùng dinh dưỡng để củng cố thêm hệ miễn dịch cho người bệnh, giúp cho người bệnh ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn.  

Việc cân đối đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, xây dựng cho người bệnh ung thư một thực đơn đa dạng và chú ý đến quá trình chế biến sẽ giúp họ giảm thiểu được những tác dụng phụ của phương pháp điều trị, duy trì một thể trạng tốt và tạo thêm niềm tin để giúp họ chiến thắng bệnh tật.


 


Việt Hồng
Ý kiến của bạn