Hà Nội

Cận thị - tật khúc xạ cần được điều trị sớm chứ không đơn giản là đeo kính tăng thị lực

31-07-2023 10:49 | Y học 360
google news

SKĐS - Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến nhất gây ảnh hưởng lớn đến thị lực. Theo các chuyên gia nhãn khoa, cận thị trên 5 đi ốp được coi là cận thị nặng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về võng mạc và thần kinh thị giác có thể dẫn đến mù lòa.

Cận thị cần được coi là một vấn đề sức khỏe đáng được quan tâm chứ không đơn thuần chỉ là việc đeo kính để làm tăng thị lực.

1. Cận thị là gì?

Cận thị có nghĩa là tình trạng mắt có thể nhìn rõ ở gần nhưng lại nhìn mờ ở khoảng cách xa. Trẻ bị cận thị có xu hướng gặp khó khăn khi nhìn lên bảng ở lớp học, khi xem tivi và phim ảnh, và nói chung là bất cứ thứ gì xa. Mức độ hoặc mức độ cận thị càng cao thì tầm nhìn xa của mắt càng mờ.

Cận thị - bệnh lý cần được điều trị sớm chứ không đơn giản là đeo kính tăng thị lực - Ảnh 2.

TS.BS Đặng Xuân Nguyên, chuyên gia Nhãn khoa thăm khám cho người bệnh.

Dấu hiệu sớm của cận thị là trẻ hay nheo mắt để nhìn những vật ở xa, thường đi đến sát ti vi để xem, nhìn vật gì cũng có xu hướng đưa sát lại, không nhìn được chữ trên bảng, mỏi mắt, nhức mắt Khi đọc bài hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc; Khi viết, nhiều chữ viết sai, thiếu...

Một thời gian sau khi bị cận thị, trẻ thường có biểu hiện mỏi mệt, không hứng thú với việc học, chép bài có nhiều lỗi, kết quả học tập sút kém. Trẻ bị cận thị nặng có thể bị lác mắt kèm theo. Rất nhiều bạn nhỏ được đi khám mắt khi thị lực chỉ còn 1/10 và độ cận đã 3 - 4 đi ốp.

Dưới đây là mô phỏng hình ảnh mắt cận thị và tiêu điểm hội tụ của ánh sáng trước võng mạc:

Dấu hiệu nhận biết cận thị và các phương pháp điều trị hiệu quả - Ảnh 1.

Mắt bình thường: hình ảnh của sự vật hội tụ đúng trên võng mạc. Mắt cận thị: trục nhãn cầu dài ra, hình ảnh hội tụ trước võng mạc.

Trên mắt cận thị, trục nhãn cầu dài ra, mắt dài ra theo trục trước sau, nhiều khi còn to ra cả về đường kính. Nhiều trẻ mắt cận nặng có xu hướng biểu hiện rõ sự dài ra của trục nhãn cầu mà có thể nhận thấy bằng mắt thường, mắt lồi to hơn hẳn.

Các lớp cảm giác bên trong của nhãn cầu như lớp màng mạch máu, lớp thần kinh cảm giác bị kéo căng. Dưới sức căng như vậy, các thoái hóa do thiếu nuôi dưỡng sẽ xảy ra và có nguy cơ bị đứt rách các lớp tổ chức mô mạch máu và thần kinh cao hơn so với mắt bình thường nhiều lần.

2. Ai dễ bị cận thị?

Cận thị xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng gặp nhiều nhất ở trẻ em, học sinh, sinh viên, những người làm việc tại văn phòng phải tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, điện thoại hay máy tính khiến đôi mắt điều tiết liên tục, bị tổn thương và suy yếu.

Có một số yếu tố liên quan đến việc xuất hiện cận thị và làm tăng tiến triển của cận thị như sau:

Yếu tố di truyền: Cận thị có xu hướng di truyền trong gia đình. Nếu bố hoặc mẹ của bạn bị cận thị, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ tăng lên. Nguy cơ cao hơn nếu cả cha và mẹ đều bị cận thị.

Hoạt động mắt nhìn cận cảnh kéo dài: Đọc sách trong thời gian dài, đặc biệt trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc các hoạt động nhìn gần khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ cận thị.

Tiếp xúc màn hình điện tử kéo dài: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em sử dụng máy tính hoặc thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính bảng… trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh cận thị cao hơn.

Điều kiện môi trường: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những đứa trẻ dành quá ít thời gian ở ngoài trời có nhiều khả năng bị cận thị. Mặc dù cơ chế chính xác về cách thức hoạt động của điều này vẫn chưa rõ ràng, nhưng người ta tin rằng nó có liên quan đến lượng ánh sáng xung quanh mà mắt nhận được ở ngoài trời so với trong nhà và lượng lớn ánh sáng mặt trời giúp điều chỉnh sự phát triển của mắt đúng cách.

3. Cận thị gây hậu quả gì?

Chất lượng cuộc sống giảm

Cận thị có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt và học tập và hiệu quả làm việc. Trẻ em bị cận thị hoặc các vấn đề về thị lực khác có thể chậm phát triển khả năng đọc hoặc các kỹ năng học tập khác và gặp khó khăn trong các tương tác xã hội.

Do tầm nhìn bị hạn chế, trẻ sẽ khó khăn hơn trong việc tham gia các hoạt động ngoại khoá, thể dục thể thao, trẻ ngại giao tiếp, tăng nguy cơ bị tai nạn trong lao động, sinh hoạt.

Làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh lý của nhãn cầu

Mắt người trưởng thành trung bình có chiều dài trục - nghĩa là chiều dài của nhãn cầu từ mặt trước ra mặt sau - là khoảng 23,3 mm.

Mắt cận thị lớn hơn 6 đi ốp có độ dài trục nhãn cầu từ 26,5mm trở lên. Mặc dù 3mm nghe có vẻ không nhiều nhưng điều đó làm tăng nguy cơ thoái hóa hoàng điểm lên 41 lần, bong võng mạc lên 22 lần và tăng nhãn áp lên 14 lần. Đây đều là những bệnh về mắt có khả năng dẫn đến mù lòa.

4. Các phương pháp điều trị cận thị hiện nay

Mặc dù trước đây trẻ bị cận thị có mắt xấu đi mỗi năm một cách tự nhiên được chấp nhận là bình thường và chúng ta nghĩ cận thị chỉ cần đeo kính là khỏi, hoặc thậm chí phẫu thuật xong là hết cận thị.

Nhưng thực tế thì những phương pháp trên chỉ là cách điều chỉnh lại tiêu cự của ánh sáng vào mắt, chỉ tạm thời giải quyết vấn đề thị lực chứ không giải quyết được vấn đề cơ bản là các tổn thương bệnh lý ở nhãn cầu gây ra do việc nhãn cầu bị giãn rộng.

Các vấn đề thay đổi cấu trúc của mắt là không hồi phục và vẫn có xu hướng gây ra các biến chứng. Như vậy, phụ huynh cần hiểu rằng: Khi bị cận thị không đơn giản chỉ là phải đeo kính mà đó là một vấn đề quan trọng về sức khỏe mắt của trẻ em.

Với sự phát triển của y học, hiện nay có nhiều phương pháp hiệu quả để điều trị cận thị. Tuy nhiên, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa khám đánh giá cụ thể và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

Các phương pháp kiểm soát sự tiến triển của cận thị đang được sử dụng như sau:

Khi đã hiểu rõ về cận thị và các nguy cơ biến chứng do cận thị gây ra cho đôi mắt, thì vấn đề kiểm soát cận thị để phòng ngừa biến chứng cần được xem xét một cách nghiêm túc như khi ta đối diện với một vấn đề sức khỏe trầm trọng khác. Việc quan trọng nhất là kiểm soát cận thị tăng độ nhằm mục tiêu hạn chế tối đa các biến chứng của cận thị lên cấu trúc của nhãn cầu.

Kính gọng thông thường: Đây không được coi là phương pháp điều trị kiểm soát cận thị, nó chỉ có tác dụng giúp cho mắt nhìn rõ hơn. Trong một số trường hợp đeo kính không đúng độ còn có thể làm cận thị tăng độ nhanh hơn.

Kính gọng đặc biệt kiểm soát cận thị: Một số loại tròng kính chuyên dụng như kính hai tiêu (exercutive bifocal lens), kính đa tiêu (Dual Progressive lens), hoặc các tròng kính sử dụng các thấu kính nhỏ vùng chu biên… đã được đưa vào sử dụng để giúp hạn chế tốc độ tiến triển của cận thị.

Kính áp tròng chỉnh hình giác mạc đeo ban đêm (Phương pháp Ortho - K): Đây là một phương pháp điều chỉnh thị lực bằng kính áp tròng cứng được thiết kế đặc biệt để đeo trong khi ngủ. Kính áp tròng nhẹ nhàng định hình lại độ cong của bề mặt giác mạc diễn ra trong khi ngủ và khi thức dậy, với độ cong giác mạc đã được điều chỉnh, mắt có thể nhìn rõ ràng mà không cần đeo kính gọng.

Kính Ortho-K đạt được điều này là do tạo khuôn để các tế bào biểu mô được phân bố lại và khuôn này tạo ra hiệu ứng hình tròn "đa tiêu điểm" trên bề mặt giác mạc. Vì vậy, điều trị Ortho-K cho trẻ em đồng thời đạt được hai mục tiêu: Điều chỉnh tật nhìn xa và giảm tiến triển cận thị giảm sự giãn rộng của mắt.

Dấu hiệu nhận biết cận thị và các phương pháp điều trị hiệu quả - Ảnh 3.

Kính áp tròng chỉnh hình giác mạc đeo ban đêm giúp giảm tiến triển cận thị.

Sử dụng Atropin liều thấp tra mắt: Atropin với nồng độ 0,01%; 0,025% hoặc 0,05% được các bác sĩ nhãn khoa kê đơn và theo dõi để làm chậm lại tiến triển của cận thị.

Phẫu thuật khúc xạ

Các phương pháp sử dụng laser excimer để điều trị cận thị như lasik, femto-lasik hoặc sử dụng laser femtosecond cắt thấu kính trong nhu mô (phương pháp Relex Smile) hoặc phương pháp đặt thấu kính (Phakic) cho hiệu quả cao trong việc giúp giải phóng khỏi đôi kính đeo mắt.

Tuy nhiên bệnh nhân cần phải luôn nhớ rằng tình trạng bệnh lý do cận thị gây ra vẫn luôn tồn tại, cần thiết phải khám định kỳ để theo dõi phát hiện và điều trị sớm các biến chứng có thể xảy ra.

5. Phòng ngừa cận thị như thế nào?

Phòng ngừa cận thị đề cập đến các chiến lược tránh hoặc trì hoãn sự khởi phát cận thị ở trẻ có thị lực bình thường.

Khám mắt định kỳ

Cách tốt nhất để ngăn ngừa cận thị là cho trẻ đi kiểm tra mắt thường xuyên từ khi còn nhỏ. Lần đầu tiên nên khám khi trẻ 3 tuổi, sau đó khám định kỳ hàng năm. Nếu đã có các yếu tố nguy cơ gây cận thị chẳng hạn như tiền sử gia đình, thì việc kiểm tra mắt thường xuyên thậm chí còn quan trọng hơn vì mắt của trẻ có thể thay đổi nhanh chóng và thường xuyên mà trẻ không nhận thấy để nói với bạn. Sự chậm trễ trong chẩn đoán và quản lý cận thị sẽ dẫn đến tiến triển nặng hơn.

Thay đổi hành vi

Có nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh lợi ích của việc dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời để ngăn ngừa cận thị. Mức độ ánh sáng cao ở ngoài trời sẽ giúp điều chỉnh sự phát triển của mắt. Trẻ em nên dành ít nhất 90 phút ở ngoài trời mỗi ngày. Tất nhiên, với việc dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời, trẻ em sẽ cần các biện pháp chống tia cực tím thích hợp như kính râm, kem chống nắng và mũ.

Với các hoạt động nhìn gần cần giữ một cuốn sách hoặc máy tính bảng cách mắt ít nhất một khuỷu tay, không quá gần; thường xuyên nghỉ giải lao khỏi các hoạt động cường độ cao, chẳng hạn như làm bài tập về nhà, sử dụng iPad, máy tính xách tay và điện thoại thông minh. Thực hiện quy tắc 20/20/20 là một thói quen tốt cho trẻ em. Điều này có nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn gần, hãy dành 20 giây để nhìn vào một vật ở khoảng cách trên 20 mét.

6. Làm gì khi có dấu hiệu bị cận thị?

Khi phát hiện bản thân hoặc con em mình có dấu hiệu bị cận thị như đã mô tả ở trên, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa Mắt để được khám, chẩn đoán chính xác mức độ cận thị, loại cận thị, phát hiện và điều trị các tổn thương ở đáy mắt nếu có.

Trong các trường hợp cận thị nặng có thoái hóa hắc võng mạc, theo dõi các tổn thương thoái hóa ở đáy mắt rất quan trọng để có can thiệp kịp thời như điều chỉnh chế độ lao động, điều trị laser đáy mắt…

Đối với người bị cận thị nặng, ngay khi có triệu chứng của bong võng mạc như: nhìn mờ đột ngột, xuất hiện "ruồi bay", bóng đen trước mắt, cảm giác chớp sáng trong mắt… cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị kịp thời.

7. Dinh dưỡng giúp cho đôi mắt khỏe hơn

Đôi mắt của chúng ta cần nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là các chất chống oxy hóa như vitamin A, C, E, lutein, zeaxanthin… Do vậy, trong chế độ ăn hằng ngày bạn cần cung cấp đủ các loại thực phẩm như rau xanh, cà rốt, thịt, trứng, sữa, cá biển, các loại hạt… giúp cho cơ thể nói chung và đôi mắt nói riêng được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và phòng ngừa một số bệnh, trong đó có cận thị.

Bong võng mạc – Căn bệnh nên lưu ý ở mắt cận thị caoBong võng mạc – Căn bệnh nên lưu ý ở mắt cận thị cao

Võng mạc có chức năng giống như tấm phim trong máy chụp ảnh, có tác dụng ghi lại những hình ảnh và sự vật bên ngoài, chuyển thành tín hiệu đưa lên não bộ.

Xem thêm video đang được quan tâm


TS.BS Đặng Xuân Nguyên, chuyên gia Nhãn khoa
Ý kiến của bạn