Cận thị, khi nào cần đeo kính?

17-09-2012 11:01 | Tin nóng y tế
google news

Con gái tôi năm nay lên lớp 6, gần đây tôi thấy cháu hay đưa gần sách vào mắt khi đọc. Tôi đưa cháu đi khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị cận 0,5 D. Bác sĩ giải thích trường hợp của cháu chưa cần phải dùng kính, nhưng phải chú ý đảm bảo giữ vệ sinh cho mắt. Thực tình tôi cũng chưa hiểu biết nhiều về bệnh cận thị, đeo kính cận có tác dụng gì? Nếu không đeo kính thì độ cận có tăng nhanh và việc giữ vệ sinh mắt, khám theo dõi mắt như thế nào?

(SKDS) - Con gái tôi năm nay lên lớp 6, gần đây tôi thấy cháu hay đưa gần sách vào mắt khi đọc. Tôi đưa cháu đi khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị cận 0,5 D. Bác sĩ giải thích trường hợp của cháu chưa cần phải dùng kính, nhưng phải chú ý đảm bảo giữ vệ sinh cho mắt. Thực tình tôi cũng chưa hiểu biết nhiều về bệnh cận thị, đeo kính cận có tác dụng gì? Nếu không đeo kính thì độ cận có tăng nhanh và việc giữ vệ sinh mắt, khám theo dõi mắt như thế nào?

Nguyễn Xuân Lý- Hải Dương

Theo số liệu thống kê cả nước hiện có khoảng 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị. Giải pháp được lựa chọn nhiều nhất để khắc phục tình trạng này là sử dụng kính. Tuy nhiên cần phải  hiểu đúng về cận thị, biết cách sử dụng kính đúng và hiệu quả. Có thể nói mắt là một hệ thống thấu kính giúp chúng ta cảm nhận được hình ảnh thông qua ánh sáng. Cận thị là sự suy giảm khả năng nhìn xa, trong đó ảnh của sự vật không hội tụ đúng vào võng mạc (điểm vàng) mà rơi ra phía trước võng mạc, vì vậy phải dùng một thấu kính phân kỳ để điều chỉnh làm cho mắt nhận được hình ảnh rõ nét.

Cận thị ở lứa tuổi đang đi học hay cận thị trên người trẻ được thống nhất với tên gọi “cận thị tuổi học đường” (từ 8 - 22 tuổi). Bệnh được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, độ cận được tính theo số đi-ốp (D), và sẽ tăng số dần theo năm tháng, mỗi năm khoảng từ 0,5 - 1D và dừng lại ở khoảng 6D. Cá biệt cũng có những trường hợp cận bệnh lý có yếu tố di truyền thì số kính sẽ tiếp tục gia tăng sau tuổi trưởng thành, có thể  đến 10D hoặc hơn nữa.
 
 Cần cho trẻ khám mắt tại cơ sở chuyên khoa mắt.
Phần lớn cận thị bắt đầu biểu hiện vào khoảng 10 – 11 tuổi, nhưng cũng có khi trẻ mắc cận sớm hơn, với các biểu hiện nhìn nheo mắt, nghiêng đầu, có xu hướng thích tiến gần đến nguồn tài liệu, học tập kém tập trung, kết quả giảm sút, không chép kịp bài trên lớp, học tập thấy nhanh mỏi mắt, có thể dẫn tới đau nhức mắt và đau đầu. Không phải mọi trường hợp cận thị đều phải mang kính. Những trường hợp cận dưới 0,75 D chưa cần phải mang kính và cũng không phải vì thế mà độ cận tăng nhanh. Tuy nhiên không đeo kính chắc chắn sẽ gặp một số khó khăn nhất định trong học tập và sinh hoạt.
 
Nếu cận từ 1-2 D chỉ nên dùng kính khi nhìn xa, cũng không nên mang kính liên tục suốt cả ngày, vì lâu dần việc đó sẽ khiến mắt  mất khả năng điều tiết khi nhìn những vật gần và sẽ luôn phải phụ thuộc vào kính. Trong trường hợp mắt phải làm việc nhiều, khoảng ba mươi phút hoặc một giờ, nên nghỉ ngơi, tháo kính thư giãn mắt tìm chỗ thoáng, nhìn vào những vật ở xa. Việc khám mắt kiểm tra, theo dõi  là tùy thuộc độ cận của trẻ, sự thoải mái khi dùng kính, tình trạng bệnh lý kèm theo mà bác sĩ sẽ đặt lịch khám lại cho trẻ.
 
Cận thị nhỏ hơn 6D khoảng 1 năm khám 1 lần, trên 6D khoảng 6 tháng khám mắt 1 lần. Việc mang kính (kính thuốc), thay đổi số kính phải do sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Để phòng tránh và khống chế bệnh cận thị cần chú ý, đảm bảo cho trẻ vệ sinh mắt tốt, nơi học tập đủ độ chiếu sáng, cự ly giữa mắt với tài liệu, màn hình máy tính phù hợp, thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, học kết hợp với vui chơi và hoạt động ngoại khóa...
 
Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối đặc biệt là các vitamin A, C, E, khoáng chất kẽm, selen, đồng... được cho là hạn chế tăng số cận cùng với những thoái hóa do cận thị. Các yếu tố dinh dưỡng trên có nhiều trong các loại rau xanh đậm, hoa quả màu đỏ, cá biển và một số loài nhuyễn thể. Vì vậy bạn  cứ yên tâm thực hiện đúng những điều bác sĩ đã hướng dẫn, chú ý đảm bảo vệ sinh cho mắt, đảm bảo dinh dưỡng và chỉ sử dụng kính thuốc khi cần.

BS.Vũ Thành


Ý kiến của bạn