(SKDS) - Lần thứ hai, triển lãm điêu khắc “Sài Gòn - Hà Nội” của các nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ ở hai thành phố được khai mạc. Đáng chú ý và khích lệ còn là việc triển lãm diễn ra tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, một không gian mới mẻ ngoài những địa điểm quen thuộc của giới mỹ thuật. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS. NGƯT. Nguyễn Văn Cương - Hiệu trưởng nhà trường.
Tác phẩm điêu khắc, được triển lãm ở một nơi không phải của giới chuyên môn mỹ thuật, ông có nhận xét gì?
Tôi đánh giá rất cao sự kiện này! Nghệ thuật hiện nay tính dân chủ rất cao, xu hướng hiện đại là đi sâu vào đời sống. Nghệ thuật đang tràn ra khỏi khung tranh, phòng triển lãm để đi vào cuộc sống với nhiều hình thức mới như trình diễn, sắp đặt. Trong môi trường không chuyên về nghệ thuật tạo hình lại có được một sự kiện như vậy, giảng viên, sinh viên của chúng tôi sẽ được chứng kiến những kết quả sáng tạo của các nghệ sĩ.
Ngay trước sự kiện này, triển lãm “Đất Mường” cũng diễn ra tại đây. Nghệ thuật điêu khắc với tư duy, ngôn ngữ đương đại, liệu có thách thức với công chúng sinh viên vốn không phải là “dân” chuyên ngành?
PGS.TS. NGƯT. Nguyễn Văn Cương |
Theo quan sát của chúng tôi, triển lãm “Đất Mường” có sự tham gia của nghệ sĩ nhiều nước, có sự giao lưu, trao đổi với tính thời sự, tính đương đại được kết nối. Có thể nói, nghệ thuật điêu khắc trong đời sống Việt Nam đương đại còn khá xa lạ với quần chúng, ngôn ngữ điêu khắc thì vượt ra khỏi những cảm nhận thông thường có tính truyền thống. Nhưng tới triển lãm này, chúng ta có thể thấy nó rất mới mẻ, hiện đại và có thể giúp giới trẻ xem, chiêm ngưỡng, trải nghiệm, bồi bổ cho thẩm mỹ của mình khi tiếp cận những cái mới. Đó là điều rất cần hoan nghênh, cổ vũ!
Vậy trong tương lai, các sự kiện tương tự có tiếp tục được đón nhận?
Chắc chắn rồi! Chúng tôi đã đặt ra kế hoạch thường niên sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện như vậy, không chỉ riêng về nghệ thuật tạo hình. Chúng tôi mong muốn Trường ĐH Văn hóa Hà Nội sẽ trở thành địa chỉ, nơi giao lưu của các nghệ sĩ và giới trẻ. Chúng tôi cũng có hướng bảo trợ cho các nghệ sĩ trẻ trên những bước đầu theo đuổi sự nghiệp của mình.
Có thể thấy Trường ĐH Văn hóa đi tiên phong trong việc đón nhận nghệ thuật tạo hình đương đại. Ông nghĩ thế nào về không gian trường ĐH khác ở Hà Nội?
Có chứ! Rất nên có thêm nhiều không gian khác mở cửa tiếp nhận điêu khắc đương đại cũng như những dòng chảy nghệ thuật khác! Chúng tôi đánh giá cao sáng tạo của các nghệ sĩ. Theo dõi đời sống nghệ thuật, có thể thấy rằng, với các nghệ sĩ điêu khắc, cơ hội thương mại không cao. Nhưng anh em đều bỏ tiền bạc, công sức, thời gian ra để theo đuổi những khát vọng sáng tác của mình. Tôi tin là giá trị tác phẩm, những ý đồ nghệ thuật của nghệ sĩ sẽ tác động rất tốt đến các bạn trẻ, mà trước hết là các bạn sinh viên.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Thi (thực hiện)