Trong số các luật vừa được Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV thông qua nêu trên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm. Đáng chú ý là việc nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm cả xe máy) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định, người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông. Luật cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện trong việc phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
Trao đổi tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, công tác triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc khó quản lý khi đưa các quy định của Luật vào cuộc sống. Vì vậy, để triển khai thi hành luật, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và ngoài việc tuyên truyền để thay đổi hành vi, nhận thức của người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình, thì quan trọng là quy định chế tài đối với các hành vi bị cấm đã quy định trong luật.
Liên quan đến Luật Giáo dục, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, điểm đáng chú ý của Luật Giáo dục là quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học. Cụ thể, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học và trung học cơ sở là cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; giảng viên đại học có trình độ chuẩn là thạc sĩ. Bên cạnh đó, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Tuy nhiên, nếu sau 2 năm, người được hỗ trợ tốt nghiệp nhưng không công tác trong ngành giáo dục và công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí hỗ trợ.