Cẩn thận “sập bẫy” vay tiêu dùng

08-08-2013 08:08 | Thời sự
google news

Cho vay tiêu dùng được ví như chiếc van để “xả” tiền ứ đọng, kích thích người dân vay với những ưu đãi rất hấp dẫn. Trong tình cảnh sức mua thấp, hàng tồn kho tuy giảm nhưng chưa trở lại mức bình thường, cho vay tiêu dùng là giải pháp cần thiết.

Cho vay tiêu dùng được ví như chiếc van để “xả” tiền ứ đọng, kích thích người dân vay với những ưu đãi rất hấp dẫn. Trong tình cảnh sức mua thấp, hàng tồn kho tuy giảm nhưng chưa trở lại mức bình thường, cho vay tiêu dùng là giải pháp cần thiết. Những tiện ích về dịch vụ, những sản phẩm cho vay tiêu dùng được tung ra đã hỗ trợ đáng kể người dân, nhất là tầng lớp thu nhập trung bình thấp. Tuy vậy, mặt trái tiêu cực của dịch vụ này đã bộc lộ rõ. Gần đây công luận đã phanh phui một số công ty tài chính “đục nước béo cò” giăng ra những cái bẫy đối với người nhẹ dạ, hám lợi.

Cẩn thận “sập bẫy” vay tiêu dùng 1Một biển quảng bá cho vay tiêu dùng trên phố (ảnh chụp lúc15 giờ ngày 7/8).

“Cài bẫy” trong thủ tục vay nhanh

Để thu hút được nhiều người vào “lưới” vay tiêu dùng, nhiều tổ chức doanh nghiệp đã bung ra những chiêu đặc biệt trong đó là đơn giản hóa tối thiểu thủ tục cho vay. Theo nội dung nhiều tờ rơi mà các tổ chức tín dụng rải ngoài đường tới tay người đi đường cho thấy để vay vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng, người vay chỉ cần photo giấy chứng minh thư, sổ lương, ngay cả thẻ sinh viên cũng nhanh chóng vay được tiền. Không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập... Lãi suất đưa ra cho một gói vay cũng hết sức hấp dẫn, chỉ từ 2,2 - 3,1%/tháng. Song, nhiều người sau khi trả số tiền vay tiêu dùng đã ngã ngửa khi biết rằng lãi suất thực tế họ phải trả thực tế lên tới hơn 10%/tháng. Bởi “cái bẫy” là chi phí đắng chát của mỗi hợp đồng so với giá trị món hàng, tính ra giá mua thực không hề rẻ. Cùng với đó, họ lại được thông báo, khi đã ký hợp đồng cho vay, thì dù có trả trước hạn vẫn cứ phải mua hàng đắt do các khoản phí phạt. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm, tỉnh Đồng Nai được một nhân viên tên Thùy của Công ty tài chính PPF gọi điện tư vấn cho vay tiêu dùng với khoản vay 30 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng, kỳ hạn 24 tháng không cần thế chấp bất kỳ tài sản nào. Những lời tư vấn ngọt ngào cùng hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn nên chị đồng ý vay. Tuy nhiên, sau khi ký tất cả giấy tờ, chị mới tá hỏa khi lãi suất vay vọt lên 6%/tháng (72%/năm). Điều đáng nói, chị Thắm chỉ nhận được giấy đề nghị vay và phương án trả nợ mà nhân viên PPF khẳng định là hợp đồng vay. Tuy vậy, giấy đề nghị không có bất kỳ điều khoản quy định nào và không có dấu đỏ của Công ty PPF. Biết mình đã bị lừa, nhưng chị Thắm vẫn trả góp tiền được 5 tháng và sau đó muốn thanh lý hợp đồng sớm. Lúc này chị càng ngỡ ngàng hơn khi số tiền phải đóng còn cao hơn số tiền ban đầu chị vay là hơn 32 triệu đồng. Bên cạnh hình thức cho vay tiêu dùng, nhiều tổ chức kinh doanh tài chính đã “đi đêm” với các nhà phân phối sản phẩm đưa ra các gói  kích cầu người dùng bằng lãi suất 0% khi mua trả góp. Tìm hiểu kỹ hơn thì chúng tôi nhận thấy, hầu hết các sản phẩm nằm trong chương trình trả góp đều có giá đắt hơn 10 - 20% so với giá trị thật của chúng.

Cần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng

Liên quan đến việc vay tiêu dùng, vay trả góp, ông Lê Tùng, Giám đốc Sale & Marketting hệ thống siêu thị điện máy Topcare chia sẻ với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống: Với xu thế của thị trường hiện nay, hình thức mua trả góp đang được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và tham gia. Với bối cảnh kinh tế chưa có nhiều biến chuyển tích cực, mua hàng trả góp được coi là phân khúc riêng dành cho các khách hàng trả chậm. Đặc biệt, khi được doanh nghiệp gánh hộ tiền lãi suất thì đó là một sự ưu đãi, hỗ trợ lớn để người tiêu dùng có thể mua sắm được những sản phẩm điện máy mà mình mong muốn sử dụng, phục vụ cuộc sống, công việc, giải trí, học tập... Việc tuyên bố hỗ trợ lãi suất 0% nhưng sau đó tăng giá bán để bù vào việc trả lãi cho các đơn vị tài chính là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua. Hoặc có trả góp 0% thì cũng chỉ trong kỳ hạn ngắn khoảng 3 tháng đầu. Rất nhiều khách hàng còn gặp trường hợp oái oăm là sau khi sử dụng dịch vụ mua sắm trả góp thông qua các đơn vị cho vay tài chính tiêu dùng, tính ra lãi suất cuối kỳ lại đội lên gấp nhiều lần so với giá bán sản phẩm và mức lãi suất đáng ra phải trả theo cam kết ban đầu... khiến người tiêu dùng mất lòng tin. Để thực sự là chỗ dựa của khách hàng, thì việc hỗ trợ lãi suất 0% phải được thực hiện đúng bản chất của nó.

Đề cập đến vấn đề này, ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh cho biết: Một trong 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng là quyền được thông tin đầy đủ. Thế nhưng, thực tế hiện nay thì nhiều trường hợp khách hàng không được đơn vị bán hàng thông tin đầy đủ. Vì vậy, trước khi mua hàng trả góp, người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp hoặc khi làm hợp đồng phải yêu cầu nơi bán ghi rõ mức lãi suất, cơ sở tính, không nên ký hợp đồng nếu chưa hiểu rõ. Khi quyết định mua hàng trả góp, nên thăm dò, so sánh giá tiền và lãi suất mà cửa hàng áp dụng vì cùng một chủng loại sản phẩm, đôi khi mỗi cửa hàng sẽ có mức báo giá khác nhau. Người tiêu dùng cũng chỉ nên chọn mua những sản phẩm thật sự cần thiết cho công việc hay cuộc sống của mình.

Văn Hậu - Anh Tuấn


Ý kiến của bạn