Rất nhiều người dù không lao động nặng nhưng lại bị những cơn đau từ cổ tay lan khắp cánh tay làm phiền. Đó có thể là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay. Dưới đây là thông tin về hội chứng ống cổ tay do PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cung cấp.
1. Khái niệm hội chứng ống cổ tay
Ống cổ tay là một đường hầm hẹp chạy bên trong cổ tay chúng ta, có đáy là xương, và trần là dây chằng ngang cổ tay. Dây thần kinh giữa và các gân cơ lân cận chạy từ cẳng tay vào bàn tay để chi phối cho ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, và nửa ngón áp út.
Hội chứng ống cổ tay (hội chứng kẹt thần kinh giữa) xảy ra khi dây thần kinh giữa bị kẹt hay chèn ép ở vùng cổ tay. Do các phản ứng viêm và sưng nề, dây thần kinh bị chèn ép và biểu hiện thành hội chứng ống cổ tay. Đây cũng là dạng bệnh lý kẹt dây thần kinh ngoại biên thường gặp nhất.
2. Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay biểu hiện bằng tình trạng tê bì, châm chích như bị châm kim, hay đau dọc theo đường chạy của dây thần kinh giữa. Các triệu chứng ban đầu thường khởi phát chậm; đau thành từng cơn ở vùng ngón trỏ và ba ngón lân cận. Một số bệnh nhân sẽ có xu hướng "lắc tay" để cố gắng giảm cảm giác đau và khó chịu.
Một số triệu chứng thường gặp khác bao gồm thức giấc giữa đêm do đau chói ở vùng cổ tay hay cẳng tay, hoặc có thể yếu vận động nắm bàn tay. Bệnh nhân khi vào viện thường cho biết hay làm rơi đồ, khó cài cúc quần áo, cảm giác sưng nề ở ngón tay mặc dù nhìn ngón không thấy bất thường, hay không thể nắm tay lại thành nắm đấm.
Các thương tổn thần kinh lâu dài và tình trạng teo cơ có thể khiến phần ô mô cái (phần lòng bàn tay tương ứng với ngón cái) giảm kích thước. Khi tình trạng bệnh nặng lên, bệnh nhân có thể cảm thấy đau chói, đau như dao đâm và kéo dài dai dẳng suốt trong ngày. Cơn đau thậm chí có thể lan đến cả khuỷu tay.
Không phải tình trạng đau tay nào cũng liên quan đến hội chứng ống cổ tay. Do đó, bệnh nhân cần được thăm khám chẩn đoán để loại trừ các căn nguyên bệnh lý khác, ví dụ như kẹt thần kinh trụ tại rãnh khuỷu, hay chèn ép rễ thần kinh ở cột sống cổ (bệnh lý rễ thần kinh cổ).
3. Ai hay bị hội chứng ống cổ tay?
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi các gân chèn ép vào dây thần kinh giữa. Khi xuất hiện tình trạng viêm, khoang ống cổ tay sẽ bị thu hẹp, gây tăng chèn ép dây thần kinh.
Một số bệnh nhân, chủ yếu là nữ giới, thường có ống cổ tay nhỏ, do đó cũng tăng nguy cơ hình thành hội chứng ống cổ tay.
Các vận động lặp đi lặp lại ở cổ tay với tư thế kém tự nhiên hoặc hoạt động quá sức thường gặp ở nhóm bệnh nhân làm việc văn phòng, sử dụng máy vi tính hay điện thoại thông minh nhiều, thợ may, công nhân làm ở dây chuyền lắp ráp, các nhạc sĩ, và vận động viên một số môn thể thao.
Hội chứng ống cổ tay cũng có thể xuất hiện trong một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, suy giáp, béo phì, xuất hiện ở bệnh nhân tiền sử hút thuốc lá hay ở thai phụ.
Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay còn bao gồm cả chấn thương, ví dụ chấn thương vùng cẳng tay, trật khớp cổ tay, gãy xương vùng cổ tay.
4. Phương thức chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Tình trạng đau chói vùng bàn tay gợi ý đến hội chứng ống cổ tay. Để chẩn đoán chính xác, cần loại trừ các căn nguyên tại khớp hay thần kinh khác có thể biểu hiện giống với hội chứng này. Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám cảm giác, cơ lực, và hình thái ở vùng cổ, vai, cánh tay, cẳng tay, cổ tay, và bàn tay.
Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được khai thác diễn biến tình trạng đau ở bàn tay, đề xuất một số căn nguyên có thể xảy ra, và thực hiện hai nghiệm pháp để định khu tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa.
Gõ cổ tay: Thầy thuốc gõ ở mặt trong của cổ tay bệnh nhân. Bệnh nhân cần báo có thấy đau hay châm chích tăng đột ngột hay không.
Gấp cổ tay (nghiệm pháp Phalen): Bệnh nhân áp hai mu tay với nhau, thả lỏng vai, các ngón tay hướng xuống đất. Duy trì tư thế trong một phút. Bệnh nhân cần báo có thấy các triệu chứng xuất hiện hay tăng lên hay không.
Bệnh nhân cần thông báo đầy đủ với thầy thuốc về các tiền sử bệnh lý (ví dụ như đái tháo đường), các căng cơ hay thương tổn mắc gần đây liên quan tới cổ, cẳng tay, cổ tay. Toàn bộ những tình trạng này đều có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh giữa. Bệnh nhân cũng cần mô tả về thói quen sinh hoạt hay những yếu tố có thể gây căng cơ hoặc đau cổ tay.
Thầy thuốc có thể sẽ chỉ định một số xét nghiệm máu để tìm các bệnh lý có khả năng gây các triệu chứng. Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu hay triệu chứng gợi ý bệnh lý về cơ, các thầy thuốc sẽ chỉ định điện cơ kèm test dẫn truyền thần kinh.
Ghi điện cơ (electromyography, viết tắt EMG):
- Một kim ghi điện cơ sẽ được châm ở các cơ tay của người bệnh để ghi lại hoạt động điện thế của cơ này (Hình trên).
- Trong quá trình làm điện cơ có thể kèm test dẫn truyền thần kinh; trong đó các điện cực được đính trên da để phát một số đợt xung ngắn (một phần của một giây).
- Trong hội chứng ống cổ tay, tốc độ các xung của dây thần kinh giữa sẽ giảm so với mức bình thường.
- Test này sẽ gây đau cho người bệnh: khi dòng điện được tác dụng, bệnh nhân sẽ cảm thấy châm chích, nóng rát, sốc trong thời gian một phần của một giây đồng hồ.
Các kết quả sẽ xác định liệu tình trạng đau của bệnh nhân có phải do dây thần kinh giữa hay liên quan đến các căn nguyên khác. Nếu có tình trạng kẹt dây thần kinh, thầy thuốc sẽ thảo luận cho bệnh nhân về các phương án điều trị hiện có.
Điều trị hội chứng ống cổ tay nhanh chóng sẽ giúp tăng cơ hội ngăn chặn các triệu chứng cũng như phòng tránh thương tổn thần kinh về lâu dài. Các phương pháp tự chăm sóc bản thân bao gồm sửa đổi hoạt động sinh hoạt, giãn cơ, và chườm đá.
Các phương pháp điều trị bảo tồn hội chứng ống cổ tay bao gồm vật lý trị liệu, nẹp cổ tay, hay các thuốc nội khoa. Bệnh nhân cũng có thể lựa chọn điều trị phẫu thuật để nới rộng khoang ống cổ tay.