Hà Nội

Cẩn thận khi dùng thuốc bôi ngoài da

10-01-2019 16:47 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Bệnh lý gây nên tai biến ở da do dùng thuốc bôi tại chỗ có thể bắt nguồn từ hoạt chất hoặc tá dược là thành phần cấu tạo của thuốc. Vì vậy, cần cẩn thận khi dùng thuốc bôi tại chỗ để ngăn ngừa phản ứng có hại.

Tai biến ở da do dùng thuốc ngày càng xảy ra nhiều, có khi diễn biến với tiên lượng xấu và có thể dẫn đến trường hợp tử vong. Tai biến ở da tạo ra theo đường sử dụng của thuốc đi vào cơ thể bao gồm đường toàn thân hoặc đường tại chỗ qua da và có thể làm xuất hiện các triệu chứng bệnh lý khác nhau. Nếu thuốc được dùng theo đường toàn thân có thể gây ra những tai biến ở da như: nổi ban đỏ, nổi mề đay, bị hồng ban nhiễm sắc cố định, phản ứng chàm hóa, đỏ da toàn thân, hồng ban đa dạng avà hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, viêm mao mạch xuất huyết, mẫn cảm với ánh sáng, sạm da, da bọng nước và một số bệnh về da khác... Nếu thuốc được dùng tại chỗ bằng cách bôi ngoài da tưởng chừng đơn giản nhưng chúng cũng có thể gây nên những tai biến ở da như: chàm tiếp xúc, mẫn cảm với ánh sáng, loét hoại tử, nhiễm sắc tố... Vì vậy, cần cẩn thận khi dùng thuốc bôi ngoài da để tránh tai biến có thể xảy ra, tốt nhất là cần có sự giúp đỡ, tư vấn và chỉ định bằng đơn thuốc của bác sĩ; không tùy tiện mua sử dụng hoặc theo sự mách bảo của người khác. Lưu ý rằng chính hoạt chất hoặc tá dược cấu tạo nên thành phần thuốc là thủ phạm gây ra tai biến ở da do dùng thuốc bôi tại chỗ với nhiều loại bệnh lý khác nhau sau đây:

Chàm tiếp xúc

Biểu hiện triệu chứng lâm sàng có thể là dạng hình thể của chàm cấp tính, bệnh chốc hóa thứ phát hoặc lichen hóa, hậu quả của chàm mạn tính do không phát hiện được dị nguyên để loại bỏ dị nguyên. Chàm tiếp xúc có cơ chế gây bệnh của tăng cảm ứng muộn. Phản ứng chàm hóa có thể xuất hiện ở người bệnh khi lần trước đã bị mẫn cảm với một phân tử thuốc dùng dưới dạng thuốc bôi ngoài da, nếu phân tử đó hoặc một thuốc có cấu trúc tương tự khi lần sau lại dùng theo đường toàn thân. Biểu hiện triệu chứng bệnh lý lâm sàng thường thấy là những mụn nước tập trung thành đám trên nền da đỏ. Chẩn đoán xác định có thể thực hiện bằng các thử nghiệm da với các thuốc nghi ngờ gây tai biến.

Chàm tiếp xúc

Các loại thuốc chủ yếu gây chàm tiếp xúc gồm: thuốc gây tê tại chỗ như benzocain, procain; thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid như: neomycin, có dị ứng chéo với gentamycin, kanamycin, nhóm sulfamid, bacitracin, beta-lactam; thuốc chống trứng cá như peroxyd benzoyl; thuốc diệt khuẩn như hexamidin; thuốc chống viêm không steroid.

Mẫn cảm với ánh sáng

Cơ chế gây bệnh và biểu hiện triệu chứng lâm sàng giống như các bệnh da do mẫn cảm với ánh sáng khi dùng thuốc theo đường toàn thân. Nhiều loại thuốc có thể gây mẫn cảm với ánh sáng theo cơ chế nhiễm độc ánh sáng và dị ứng ánh sáng. Nhiễm độc ánh sáng có thể xảy ra ngay từ lần dùng thuốc đầu tiên, biểu hiện triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào liều lượng của thuốc và thời gian ra ngoài tiếp xúc với nắng; bệnh lý biến mất nhanh khi ngừng dùng loại thuốc gây mẫn cảm. Dị ứng ánh sáng xảy ra sau một thời gian mẫn cảm, không phụ thuộc vào liều lượng thuốc, có thể tiến triển riêng biệt do khả năng mẫn cảm ánh sáng tồn lưu sau khi ngừng thuốc đã dùng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số thuốc gây mẫn cảm với ánh sáng theo cả hai cơ chế nhiễm độc và dị ứng. Việc chẩn đoán căn cứ vào các thử nghiệm da đối với ánh sáng. Biểu hiện triệu chứng bệnh lý lâm sàng thường khu trú ở các phần da hở như: trán, mũi, vành tai, gò má, mu bàn tay khi bôi thuốc. Các phản ứng nhiễm độc ánh sáng là những phản ứng viêm da khu trú giới hạn với vùng tiếp xúc với ánh sáng. Các phản ứng dị ứng ánh sáng có tính đa dạng hơn như ban dạng chàm, dạng lichen, dạng mày đay... và vị trí khu trú có thể vượt quá vùng tiếp xúc với ánh sáng.

Các thuốc chủ yếu thường gây phản ứng tại chỗ do mẫn cảm với ánh sáng là loại psoralen, sulfamid, axít para-amino benzoic, các phenothiazin như promethazin...; thuốc nhuộm màu: eosin, fluorescin; thuốc có gốc từ than đá: goudron; tretionin, peroxyd benzoyl...

Dị ứng ánh sáng

Loét hoại tử

Nếu dùng tại chỗ bằng thuốc bôi ngoài da nhóm amoni bậc 4 có thể gây nên hoại tử da, nhất là vùng bán niêm mạc ở dương vật và âm môn. Thương tổn xảy ra ban đầu chỉ bằng đầu đinh ghim, ở giữa màu trắng và chung quanh có một quầng màu hồng; về sau sẽ nhanh chóng trở thành một vết hoại tử với bờ không đều, không kèm theo hạch.

Nhiễm sắc tố

Nếu dùng thuốc bôi ngoài da nhóm hydroquinon chữa những vết sạm da có thể là nguồn gốc gây tăng sắc tố màu nâu đen trên vùng da bôi thuốc do tăng mẫn cảm đối với ánh sáng.

Lời khuyên của thầy thuốc
Trên thị trường hiện nay, các loại thuốc dùng để bôi ngoài da rất đa dạng và phong phú được cộng đồng người dân sử dụng khá phổ biến để điều trị một số bệnh tại chỗ ở ngoài da. Thuốc có thể mua dễ dàng tại các nhà thuốc, hiệu thuốc ở bất cứ đâu mà không cần đơn thuốc của bác sĩ mà chỉ theo sự mách bảo của người khác đã dùng vì quan niệm đây chỉ là thuốc dùng tại chỗ ở bên ngoài không gây nguy hại. Tuy vậy nếu dùng tùy tiện, không có chỉ định phù hợp của bác sĩ có thể dẫn đến những tai biến da do thuốc với các loại bệnh lý đã được nêu trên; trong đó chàm tiếp xúc là một tai biến khá phổ biến. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng thuốc bôi ngoài da để phòng ngừa những hậu quả xấu có khả năng xảy ra.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn