Cẩn thận kẻo rách gân cơ chóp xoay khớp vai!

16-04-2020 15:24 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Rách gân cơ chóp xoay khớp vai thường gặp ở những người thường có động tác vận động cần nâng tay lên quá đầu lặp đi lặp lại nhiều lần trong công việc (thợ sơn, thợ mộc…) hoặc chơi thể thao (bóng rổ, bóng chuyền, tennis…).

Gân cơ chóp xoay là cấu trúc gân cơ bao quanh khớp vai, có nhiệm vụ duy trì mối quan hệ binh thường giữa chỏm xương cánh tay và ổ chảo xương vai. Rách gân cơ chóp xoay là nguyên nhân gây đau vai âm ỉ, tiến triển tăng dần và thường đau nhiều về đêm và dần dần dẫn đến hạn chế biên độ vận động của khớp vai.

Nhiều trường hợp tổn thương gân cơ chóp xoay khớp vai đáp ứng tốt với điều trị nội khoa và phục hồi chức năng. Cũng không ít những trường hợp rách gân cơ chóp xoay cần điều trị phẫu thuật.

Dấu hiệu bạn bị rách gân cơ chóp xoay khớp vai

Triệu chứng đau trong rách gân cơ chóp xoay khớp vai được mô tả như sau:  Đau âm ỉ sâu trong khớp vai. Đau gây mất ngủ, đặc biệt khi nằm nghiêng về bên vai đau. Gây khó khăn cho các động tác sinh hoạt hằng ngày như chải đầu, mặc áo chui cổ, cài áo nhỏ, kỳ lưng khi tắm… Kèm theo là yếu cơ bên tay tổn thương.

Khi nào cần gặp bác sĩ? Đó là khi bạn bị đau vai với những đặc điểm được mô tả ở trên; đau vai kèm theo yếu cơ.

Hình ảnh giải phẫu rách gân cơ chóp xoay khớp vai

Rách gân cơ chóp xoay khớp vai do đâu?

Rách gân cơ chóp xoay khớp vai có thể là hậu quả của chấn thương hoặc liên quan đến bệnh lý thoái hóa gân cơ theo tuổi. Vi chấn thương do thực hiện các động tác hoạt động nâng tay quá đầu hoặc nâng tạ/ đẩy tạ lặp đi lặp lại nhiều lần có thể là khởi phát cho tổn thương gân cơ chóp xoay.

Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ bao gồm:

Tuổi tác: Rách gân cơ chóp xoay khớp vai thường gặp ở những người trên 40 tuổi.
Một số môn thể thao: Bóng rổ, tennis, leo núi, đẩy tạ…
Một số nghề: Thợ sơn, thợ mộc…
Ngoài ra, bệnh rách gân cơ chóp xoay khớp vai cũng có yếu tố gia đình.

Biến chứng

Rách gân cơ chóp xoay khớp vai không được điều trị sẽ gây nên các tình trạng: Yếu cơ; Hạn chế/ Mất biên độ vận động khớp vai; Viêm dính khớp vai;- Thoái hóa khớp vai.

Để chẩn đoán rách gân cơ chóp xoay khớp vai, người bệnh cần được khám lâm sàng bởi các bác sĩ chuyên khoa xương khớp hoặc chấn thương chỉnh hình có kinh nghiệm. Bệnh nhân sẽ được làm các test cận lâm sàng gồm X quang khớp vai, siêu âm khớp vai và cộng hưởng từ.

Điều trị thế nào?

Tùy thuộc vào mức độ nặng của tình trạng tổn thương gân cơ chóp xoay khớp vai mà người bệnh có thể được chỉ định điều trị:

Nội khoa:  Điều trị thuốc giảm đau, kháng viêm kết hợp với phục hồi chức năng.

Ngoại khoa: Với các kỹ thuật sau đây tùy thuộc vào tình trạng tổn thương:

Mổ nội soi khâu gân cơ chóp xoay khớp vai.

Mổ mở khâu gân cơ chóp xoay khớp vai.

Mổ chuyển gân trong những trường hợp rách nặng không khâu phục hồi được gân cơ rách.

Mổ thay khớp vai đảo ngược cho những trường hợp tổn thương nặng gân cơ chóp xoay khớp vai ở người cao tuổi hoặc kèm theo tình trạng thoái hóa khớp vai.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu bạn có triệu chứng đau vai và nghi ngờ tổn thương nhẹ gân co chóp xoay khớp vai, bạn nên thực hiện các bước sau:

Hãy để khớp vai được nghỉ ngơi: Hạn chế vận động, tránh những động tác gây đau khớp vai, hạn chế những động tác nâng tay lên quá đầu, nâng xách vật nặng…

Chườm lạnh và chườm nóng: Trong những ngày đầu, để chống viêm hãy chườm lạnh 20 phút mỗi 3 giờ. Trong những ngày sau hãy chườm ấm để giảm đau.

Uống thuốc giảm đau không cần kê đơn: Ibuprofen, Naproxen, Acetaminophen.

Chuẩn bị những gì khi đi khám bệnh?

Trước khi đến gặp bác sĩ, bạn hãy chuẩn bị những thông tin sau và viết các câu hỏi ra giấy để được bác sĩ tư vấn đầy đủ. Các thông tin bạn cần chuẩn bị bao gồm:

- Lần đầu tiên bạn bị đau khớp vai khi nào? Đợt bệnh này khởi phát khi nào?

- Động tác nào khiến cho bạn đau khớp vai tăng lên.

- Bạn đã bao giờ bị chấn thương khớp vai?

- Các triệu chứng khác kèm theo khi đau vai?

- Đau có lan xuống cánh tay hay khuỷu?

- Bạn có bị đau vùng cổ/ gáy?

- Công việc/ hoạt động thể thao khiến bạn bị khởi phát đau vai?

Bạn cũng cần mô tả chính xác cho các bác sĩ biết:

- Vị trí đau.

- Mức độ đau.

- Mức độ hạn chế biên độ vận động khớp vai.

- Triệu chứng yếu cơ hoặc tê bì/ rối loạn cảm giác chi trên.


TS. BS. Đỗ Văn Minh (Khoa Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao- Bệnh viện ĐH Y Hà Nội)
Ý kiến của bạn