Hà Nội

Cẩn thận kẻo đã trúng tuyển đại học sớm vẫn… trượt

20-03-2024 07:15 | Xã hội
google news

SKĐS - Xét tuyển sớm là phương thức mở, mang lại nhiều lợi thế cho thí sinh trúng tuyển đại học vào ngành mình yêu thích. Chuyên gia tuyển sinh đưa ra một vài lưu ý đặc biệt trong quá trình xét tuyển sớm.

Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó thường là các phương thức xét tuyển như: học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng… Thí sinh xét tuyển theo các phương thức này sẽ nộp hồ sơ sớm theo quy định của từng trường và trường cũng có quyền công bố xét tuyển sớm nhưng kết quả chỉ là tạm thời, có điều kiện. Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký trên cổng tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Hiện đã có hơn 100 trường đại học công bố thông tin tuyển sinh năm 2024 với thông báo thời gian và điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Để giảm áp lực, tăng cơ hội trúng, hưởng ưu đãi nhập học… rất nhiều thí sinh lựa chọn hình thức xét tuyển này.

Theo ý kiến của các chuyên gia tuyển sinh, các em thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký tham gia xét tuyển sớm ngay cả khi đã được thông báo trúng tuyển.

Cẩn thận kẻo đã trúng tuyển đại học sớm vẫn… trượt- Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý, đầu tiên, các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.

"Khi các em được thông báo rằng đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi chúng ta chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức.

Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các em dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, các em sẽ không được ghi nhận, không thể chính thức trúng tuyển và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm ở vài trường đi chăng nữa. Các em cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo".

Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. "Một chiến thuật chúng tôi thường khuyên thí sinh là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển. 

Như vậy, các em không nhất thiết phải lựa chọn những nguyện vọng không yêu thích lên đầu, mà hãy ưu tiên cho những nguyện vọng mình thích. Chẳng hạn, các em đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học, ngành học yêu thích rồi, nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1, em chắc chắn sẽ trúng tuyển".

Bên cạnh ưu điểm của xét tuyển sớm, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, thí sinh phải thận trọng khi tham gia xét tuyển sớm. "Việc nộp hồ sơ xét tuyển sớm là cơ hội nhưng nếu lựa chọn không chính xác, không hội tụ mọi yếu tố về đam mê, năng lực, cơ hội phát triển bản thân thí sinh sẽ mất phương hướng. Ngoài ra, thí sinh cần lắng nghe thêm ý kiến của gia đình trong việc lựa chọn ngành học phù hợp".

Dặn dò thêm thí sinh trong mùa tuyển sinh đại học năm nay, thầy Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lưu ý: Trường hợp nếu thí sinh không trúng tuyển sớm thì các em vẫn còn cơ hội trúng tuyển vào ngành đó, trường đó ở các phương thức xét tuyển khác. Những dữ liệu về kết quả học tập của học sinh sẽ được hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sử dụng, xử lý và chọn dữ liệu tốt nhất, bảo đảm mỗi học sinh đều được trúng tuyển ở một nguyện vọng".

Mốc thời gian đăng ký xét tuyển đại học năm 2024

Bộ GD&ĐT dự kiến từ ngày 10/7 đến 17h ngày 25/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) của thí sinh trên hệ thống.

Từ 28/7 đến 17h ngày 3/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Từ 5/7 đến 17h ngày 5/8, thí sinh có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.

Trước 17h ngày 8/8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

‘Chiến thuật’ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học để chắc suất đỗ‘Chiến thuật’ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học để chắc suất đỗ

SKĐS - Theo chuyên gia, để tăng độ hiệu quả và tỷ lệ trúng tuyển đại học, thí sinh khi thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học cần có chiến thuật, sắp xếp các nguyện vọng hợp lý để tăng khả năng trúng tuyển.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn