(SKDS) - Bệnh cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, do virus gây ra. Ở những nơi có khí hậu nóng ẩm như nước ta, bệnh cúm rất dễ lây từ người này sang người khác và nó mang độc tính cực kì nguy hiểm cho thai nhi. Vì vậy, nhiều phụ nữ khi mới mang thai lần đầu thường rất băn khoăn, lo lắng trước căn bệnh nguy hiểm và dễ lây nhiễm này.
Bệnh cảm cúm là do các vi rút gây bệnh từ nước bọt, mũi và đờm của người bệnh thông qua không khí truyền sang người bình thường, tính lan truyền của nó rất mạnh dễ gây nên dịch.
Người mắc vi rút truyền nhiễm thường có các biểu hiện như: lúc nóng, lúc lạnh, sốt tương đối cao, đau đầu, toàn thân nhức mỏi, thường thì sau khi hạ sốt sẽ có các triệu chứng như là ngạt mũi, chảy nước mũi, đau họng v.v... khiến cho thể lực của người bệnh tiêu hao lớn và hồi phục chậm.
Ảnh minh họa |
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị lây mắc
Trước hết, cần khẳng định rằng phụ nữ khi mang thai dễ bị lây nhiễm cúm hơn và khi bị cúm thì thường nặng hơn phụ nữ bình thường. Bởi vì khi mang thai, cơ thể có sự giảm sút khả năng miễn dịch, do đó cúm nguy hiểm hơn với những phụ nữ mang thai. Tuy tỷ lệ tử vong của cúm rất thấp, song nguy cơ đó tăng lên nhiều lần đối với phụ nữ mang thai. Điều đáng lo ngại là không chỉ cúm mà hầu hết những bệnh do virus gây ra ở phụ nữ mang thai thường kéo dài hơn ở những phụ nữ khác. Trung bình một trường hợp bệnh cúm có thể kéo dài từ 3 - 4 ngày. Nhưng với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn nhiều.
Một nguy cơ của cúm đó là bệnh có thể dẫn đến viêm phổi do virut. Vì phụ nữ mang thai có nhu cầu ôxy lớn hơn bình thường trong khi hệ miễn dịch yếu đi, dó đó, viêm phổi ở phụ nữ mang thai nguy hiểm hơn nhiều. Còn các triệu chứng khác như: sốt, ho khi bị cúm ở phụ nữ mang thai không nặng hơn ở những phụ nữ khác.
Nguy hiểm với thai nhi
Phụ nữ mang thai bị cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi, nhất là trong những tháng đầu của thai kỳ. Một số trường hợp, phụ nữ mang thai bị cúm có thể làm tăng khả năng sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non trong những tháng cuối của thai kỳ. Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai bị cúm có thể còn dẫn đến những dị tật bẩm sinh nhẹ ở thai nhi như: hở hàm ếch... Tuy nhiên, hiếm khi có dị tật bẩm sinh nặng ở não. Cụ thể:
- Trong 3 tháng đầu thai kỳ: cúm có thể gây ra một số nguy cơ đối với thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, down…
- Trong 3 tháng giữa thai kỳ: nếu người mẹ bị cúm thì não bộ của thai nhi rất dễ bị tổn thương
- Trong những tháng cuối của thai kỳ: cúm có thể làm tăng khả năng thai chết lưu hoặc đẻ non
Virut cúm A. |
Phòng bệnh tốt nhất là tiêm vắc -xin
Với phụ nữ, khi chuẩn bị kết hôn nên tiêm vắc-xin phòng cúm cho cả 2 vợ chồng. Xét về hiệu quả, tuy chưa được khẳng định hoàn toàn, song thực tế cho thấy hiện chưa có biện pháp dự phòng cúm nào cho người mang thai tốt hơn vắc-xin; Nâng cao thể trạng để có sức đề kháng tốt bằng cách tập thể dục và bổ xung những thực phẩm có lợi cho hệ miễn dịch như chất đạm, hoa quả giàu vitamin…
Trong trường hợp chẳng may bị cúm, điều quan trọng nhất các thai phụ không nên quá lo lắng, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ mà nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng mức. Đặc biệt, không nên tự ý dùng thuốc và chữa theo kiểu “kinh nghiệm dân gian”. Đồng thời, các thai phụ cần nâng cao sức đề kháng như: tăng cường dinh dưỡng, vitamin C, dầu cá, các vitamin nhóm B...
Ðức An