Cận Tết, cảnh giác tiền giả

02-02-2018 08:40 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, trong dịp này nhu cầu sử dụng tiền mặt của người dân đang ngày càng tăng cao. Đây cũng là lúc các loại tội phạm tiền giả hoạt động mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp.

Ngay từ những ngày đầu năm 2018, lực lượng chức năng các tỉnh, địa phương đã bắt và thu giữ một số lượng lớn tiền giả với nhiều loại mệnh giá khác nhau. Các đối tượng vận chuyển, mua bán và tiêu thụ tiền giả cũng ngày càng tinh vi hơn. Tại khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, lực lượng công an đã bắt quả tang nhiều đối tượng, thu giữ các loại tiền giả có mệnh giá 200.000 đồng của Việt Nam đi tiêu thụ, trong đó nhiều tờ có số seri trùng nhau. Không chỉ tiền có mệnh giá lớn như 200.000 hay 500.000 đồng, nhiều đối tượng còn thực hiện hành vi mua bán, tiêu thụ tiền giả với cả các loại mệnh giá nhỏ... Trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chỉ riêng lực lượng bộ đội biên phòng đã bắt 7 vụ, 8 đối tượng mua bán, vận chuyển tiền giả, thu hơn 2 tỷ đồng tiền giả. Lợi dụng dịp cuối năm, càng những tháng giáp Tết, hoạt động của tội phạm tiền giả diễn ra ngày càng phức tạp, với địa bàn rộng và phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn. Chúng có thể giấu trong người, có trường hợp quấn quanh người hoặc trà trộn vào hàng hóa mang vác qua biên giới, lẩn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Ngoài ra, các đối tượng còn câu kết ra ngoài biên giới để đặt hàng, sau đó rao bán trên mạng xã hội.

Do có lợi nhuận cao nên tội phạm tiền giả không ngừng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, gây khó khăn trong hoạt động giao dịch tiền mặt của ngành ngân hàng cũng như công tác phòng, chống loại tội phạm này. Không chỉ diễn biến phức tạp tại các địa bàn, hiện nay trên internet còn xuất hiện nhiều trang web và trang mạng xã hội ngang nhiên buôn bán tiền giả không khác gì bán các loại mặt hàng khác. Các trang này “câu khách” bằng những lời chào mời hấp dẫn như “giống tiền thật 99%”, “bán tiền giả không cọc, uy tín, chất lượng, tạo niềm tin”,... khiến nhiều người hám lợi mờ mắt. Thế nhưng thực tế, nhiều người đã nhận được quả đắng vì hành vi hám lợi này.

Trong thời gian gần đây, tội phạm về tiền giả không chỉ xảy ra ở khu vực thành phố, thị xã, mà còn tiến tới các địa bàn như các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chợ buôn bán tiền ở khu vực biên giới để hoạt động. Vì vậy, người dân phải hết sức cảnh giác trong quá trình tiêu dùng, sử dụng tiền mặt.

Để phân biệt tiền giả, tiền thật, Ngân hàng Nhà nước đưa một số đặc điểm nhận biết như sau: Chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo; khi xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc; tiền giả thường dày và giòn hơn tiền thật, chỉ cần vò mạnh tay, tiền giả có thể rách hoặc hằn rõ nếp gấp; vùng nền nhựa trong suốt ở phía bên phải mặt trước tờ bạc, có số mệnh giá dập nổi tinh xảo, còn tiền giả càng cũ càng mờ đi, thậm chí không có số dập nổi; soi tờ tiền dưới đèn cực tím, tiền giả không có màu phản quang và tiền giả thường có nhiều tờ trùng số seri để người dân căn cứ phân biệt tiền thật và tiền giả.


Mạnh Quang
Ý kiến của bạn