Để hiểu thêm về sự chuẩn bị của các cơ sở y tế, những khó khăn cũng như giải pháp thực hiện để tăng độ bao phủ của BHYT trong nhóm người nhiễm HIV trong thời gian tới như thế nào?... phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS xung quanh vấn đề này.
TS. Hoàng Đình Cảnh.
PV: Xin TS có thể cho biết, thủ tục tham gia BHYT của người nhiễm HIV có gì giống và khác so với người không nhiễm HIV?
TS. Hoàng Đình Cảnh: Với người nhiễm HIV có đủ giấy tờ, đủ điều kiện kinh tế thì việc tham gia BHYT tương tự như người dân không nhiễm HIV. Mua BHYT theo hộ gia đình ở đại lý BHXH tuyến xã, phường.
Người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT hoặc hết hạn BHYT thuộc đối tượng được hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm y tế: Cơ sở điều trị HIV/AIDS hướng dẫn người nhiễm thực hiện các thủ tục đề nghị cấp thẻ BHYT và lập danh sách những người đó gửi đơn vị chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố mua tập trung. Như vậy, những khó khăn khi tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV đã được giải quyết khi Thông tư 27/2018 hướng dẫn thực hiện BHYT liên quan đến HIV được ban hành.
Để tiến tới sự kiện này, các cơ sở khám, chữa bệnh đã chuẩn bị như thế nào để chuyển đổi khám và điều trị HIV/AIDS qua BHYT, thưa TS?
Để triển khai khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT, cơ sở y tế đó phải đủ điều kiện ký hợp đồng với BHXH. Vì vậy, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải được kiện toàn lại. Để thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn hướng dẫn địa phương thực hiện công tác này, đồng thời tổ chức rất nhiều đoàn hỗ trợ kỹ thuật; đôn đốc, theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tại các tỉnh, thành phố. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Năm 2019, năm đầu tiên sẽ triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV để tránh tình trạng nhận thuốc nhiều nguồn; tiếp tục tuyên truyền, vận động để người nhiễm hiểu và chủ động tham gia bảo hiểm y tế.
Để thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV, những khó khăn chủ yếu hiện nay là gì, cách tháo gỡ như thế nào? TS có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Có thể nói khó khăn hiện nay chính là việc đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT. Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí KCB tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời nên đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Hiện nay đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63 tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.
Xin TS cho biết giải pháp trong thời gian tới để người nhiễm HIV tham gia BHYT toàn diện?
Hiện nay, Chính phủ đã xác định BHYT sẽ là nguồn chính chi trả thuốc ARV khi nguồn viện trợ cắt giảm và chấm dứt với mục tiêu tăng tỷ lệ người nhiễm có thẻ lên 100%. Để thực hiện được mục tiêu này với các nhóm đối tượng khác nhau có giải pháp khác nhau:
- Với những người không thuộc diện hỗ trợ của nhà nước cần tuyên truyền cho người nhiễm HIV hiểu được lợi ích của bảo hiểm y tế; khuyến khích người nhiễm HIV tham gia BHYT ngay vì như đã đề cập ở trên, BHYT không chỉ phục vụ khám điều trị HIV/AIDS hay cấp thuốc ARV mà còn để khám và chữa các bệnh khác. Hiện nay đã có những chính sách khuyến khích người nhiễm HIV mua thẻ BHYT như: Nếu mua theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ từ những người thứ hai trở đi hoặc người nhiễm HIV đã tham gia BHYT rồi mà chưa thể tham gia BHYT theo hộ gia đình thì vẫn tiếp tục được mua BHYT theo cá nhân, hay người nhiễm HIV có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến huyện và tuyến tỉnh.
- Những đối tượng được nhà nước hỗ trợ như người nghèo, người cận nghèo, người sống ở vùng núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa thì sử dụng thẻ BHYT mà nhà nước đã hỗ trợ để khám và điều trị HIV/AIDS.
- Một số đối tượng thật sự rất khó khăn không thể mua được thẻ BHYT mà lại chưa nằm trong nhóm đối tượng nghèo hay cận nghèo hoặc nhóm được chính phủ hỗ trợ thì các địa phương có thể sử dụng một phần kinh phí kết dư của quỹ bảo hiểm y tế để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho họ.
Hy vọng rằng, với những giải pháp trên trong thời gian tới độ bao phủ của BHYT trong nhóm người nhiễm HIV sẽ tăng nhanh và có thể đạt được mục tiêu như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Xin cảm ơn TS.