Được biết, vệ sinh tay được chứng minh là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) bệnh viện. Mặc dù được quy định song tỷ lệ tuân thủ còn nhiều hạn chế, số liệu thu được quá khác biệt và khó so sánh, lí giải.
Vì vậy, hội thảo với mục đích đánh giá kiến thức, thái độ và tuân thủ vệ sinh tay, so sánh tỷ lệ tuân thủ rửa tay của nhân viên y tế trước và sau khi can thiệp; các yếu tố ảnh hưởng và hiệu quả của các gói can thiệp trước và sau khi thực hiện dự án. Đây là dự án có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức và phát triển hoạt động vệ sinh và làm sạch môi trường, đặc biệt trong môi trường y tế Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Vệ sinh tay đã được khẳng định vai trò trong đại dịch COVID-19. Đây là phương án phòng dịch hiệu quả được Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hiện. Từ khi chưa có đại dịch COVID-19, Bệnh viện Đại học Y đã bắt đầu triển khai dự án với mục đích giảm thiểu tối đa sự lây truyền bệnh và tập cho mọi người ý thức giữ gìn vệ sinh không chỉ cho mình mà cho cả cộng đồng”.
Cụ thể, sau 2 năm thực hiện, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh tay đã tăng vượt bậc, từ 29,2% (tháng 5/2019) lên 66,6% trong tháng 12/2019. tỷ lệ nhiễm trùng giảm đi rõ rệt, đặc biệt tỷ lệ vi khuẩn trên tay của nhân viên y tế đã giảm. Điều này đã chứng minh hiệu quả của phong trào phòng chống nhiễm khuẩn thông qua vệ sinh tay.
Toàn cảnh hội thảo.
Theo ThS.Bùi Vũ Bình – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Yêu cầu về an toàn người bệnh, đảm bảo bệnh nhân không nhiễm khuẩn ngày càng được chú trọng. KSNK được hệ thống Y tế quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh các dịch bệnh phát sinh. Hội thảo lần này có sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều đơn vị bệnh viện bởi KSNT triển khai đơn lẻ từng đơn vị bệnh viện sẽ rất khó để thu được hiệu quả. Vì vậy, việc kết nối giữa khoa KSNK bệnh viện và các bệnh viện tuyến trung ương, với hội đồng chuyên môn KSNK Bộ y tế là vô cùng cần thiết".
"Đến nay, khoa KSNT đã triển khai nhiều hoạt động như giám sát nhiễm khuẩn với thiết bị thông minh, dùng các phần mềm giám sát và nhiều chương trình hợp tác…. Trong đó, vệ sinh tay là một trong những hoạt động quan trọng nhằm ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện, và được coi là biện pháp can thiệp đơn lẻ duy nhất có hiệu quả, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19” - ThS. Bùi Vũ Bình chia sẻ thêm.
Đội ngũ Báo cáo viên tham dự hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng hi vọng, chương trình vệ sinh tay nói riêng, và phòng chống nhiễm khuẩn nói chung sẽ trở thành các chương trình bắt buộc và mỗi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hiểu được vai trò của vệ sinh tay, thông điệp này sẽ lan tỏa ra cả cộng đồng.