Hà Nội

Cần tăng cường bảo vệ người mắc ung thư và các bệnh nền khác trong giai đoạn mở cửa

02-07-2022 07:50 | Y tế
google news

Với hệ miễn dịch bị suy giảm, bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người phải điều trị bằng hoá trị, xạ trị, trở thành đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19.

Theo các chuyên gia, những bệnh nhân này thuộc nhóm cần tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 và tham khảo một số biện pháp phòng ngừa bổ sung để được bảo vệ đầy đủ trong giai đoạn bình thường mới.

Cần tăng cường bảo vệ người mắc ung thư và các bệnh nền khác trong giai đoạn mở cửa - Ảnh 1.

COVID-19 và mối lo của bệnh nhân ung thư

Ông H.T.L. một bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện K kể: Khi phát hiện ung thư, ông mất 1 tuần "chơi vơi", không ngủ được vì vừa nhận sổ hưu cũng là lúc nhận "án tử" khi bác sĩ thông báo với người nhà về kết quả thăm khám cho thấy ông bị ung thư phổi. Dù tuân thủ điều trị nhưng do phát hiện muộn nên một thời gian sau, bệnh ung thư phổi của ông L. đã di căn. Đây cũng là thời điểm đợt dịch COVID-19 thứ 4 bắt đầu bùng phát mạnh.

Lúc này ông L. khá lo lắng nên đã gọi cho bác sĩ điều trị hỏi về cách bảo vệ mình trước đại dịch. "Đặc biệt khi phường thông báo tôi thuộc đối tượng ưu tiên đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 vì có bệnh nền, tôi chần chừ và gọi điện cho bác sĩ điều trị để nhờ tư vấn. Bác sĩ bảo nên tiêm. Tôi đã đăng ký tiêm mũi 1. Khi đi tiêm, cán bộ y tế thăm khám kỹ lưỡng và hỏi kỹ về việc sử dụng thuốc, hoá trị… Tôi đủ điều kiện tiêm. Cứ thế tôi tiêm mũi 2 rồi mũi 3 theo đúng thời gian hướng dẫn."- ông L. chia sẻ.

Tuy nhiên, ông L. cũng bộc bạch thêm: Cùng với tuân thủ điều trị, giữ sức khoẻ và đã tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19 theo bác sĩ khuyến cáo, nhưng ông vẫn lo lắng, không dám tiếp xúc nhiều với người thân và tham gia hoạt động xã hội do lo ngại sức đề kháng yếu nên có khả năng không đáp ứng tốt với vaccine.

Câu chuyện của bệnh nhân L. đã được chia sẻ trong chương trình toạ đàm Giá như với chủ đề "Bảo vệ tối ưu bệnh nhân ung thư trong đại dịch COVID-19" cũng là câu chuyện của rất nhiều bệnh nhân ung thư khác về những lo lắng cho sức khoẻ trong đại dịch.

Trao đổi tại buổi toạ đàm, PGS.TS Lê Thượng Vũ - Phó trưởng Bộ môn Nội tổng quát - Đại học Y Dược TP HCM chia sẻ, qua hơn 2 năm chống dịch COVID-19 có thể thấy bệnh nền là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 cũng như tăng nguy cơ diễn tiến nặng.

Đối với bệnh nhân ung thư, khi điều trị hoá trị, thường kháng thể miễn dịch thấp hơn những người khác do đó nguy cơ từ COVID-19 với những trường hợp này thường cao hơn. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn về y tế đã không chỉ khuyến cáo những trường hợp này cần tuân thủ tiêm vaccine phòng COVID-19 mà còn hướng dẫn thời gian tiêm các mũi được rút ngắn hơn, hoặc ưu tiên tiêm mũi nhắc lại thứ 2 (mũi thứ 4).

Cần tăng cường bảo vệ người mắc ung thư và các bệnh nền khác trong giai đoạn mở cửa - Ảnh 2.

Bảo vệ đối tượng nguy cơ cao trong đại dịch: Cần thiết

Phân tích thêm, PGS.TS Vũ cho biết, trên các bệnh ung thư, đặc biệt với những người phải điều trị bằng hoá trị, xạ trị thì những tế bào bạch cầu tạo ra đề kháng cho cơ thể ít nhiều bị ảnh hưởng cả về chất lượng và số lượng. Do đó nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.

"Tuy nhiên tôi phải nói thêm là ngoài bệnh nhân ung thư, những trường hợp có các bệnh lý nền khác, hoặc mắc bệnh lý tự miễn, bệnh nhân ghép tạng; người dùng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống thải ghép, người cao tuổi… đều có nguy cơ cao trước COVID-19 vì vậy việc bảo vệ những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao rất quan trọng. Khi chúng ta bảo vệ được nhóm đối tượng này, nếu họ bị mắc COVID-19 thì nguy cơ nhập viện, diễn tiến nặng và tử vong giảm đi"- PGS. TS Lê Thượng Vũ nói.

Bên cạnh vaccine phòng COVID-19, một giải pháp để bảo vệ các nhóm dễ tổn thương, đặc biệt là bệnh nhân ung thư được chuyên gia trao đổi chính là kháng thể đơn dòng dự phòng COVID-19.

Tuy nhiên, phương pháp này không thay thế vaccine phòng COVID-19 mà giúp cung cấp thêm một lớp bảo vệ bổ sung, đặc biệt lợi ích cho những người suy giảm miễn dịch, không có khả năng đáp ứng miễn dịch thỏa đáng, không sinh đầy đủ kháng thể sau khi đã tiêm đủ liều vaccine, hoặc cho người không thể tiêm vaccine do từng xảy ra phản ứng ngoại ý nghiêm trọng với vaccine COVID-19.

Để tăng cường bảo vệ những nhóm dân số trên trong giai đoạn đất nước đã mở cửa trở lại, ngày 24/6, Bộ Y tế đã ban hành công văn mới về hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó có việc tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4) như sau: Đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.

Vaccine được sử dụng và vaccine mRNA (Pfizer hoặc Moderna); vaccine AstraZeneca; hoặc vaccine cùng loại với mũi 3.

Bộ Y tế kết hợp cùng Báo Sức khoẻ & Đời sống tổ chức chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề "Tăng cường bảo vệ cho nhóm người nguy cơ cao trong đại dịch", bắt đầu lúc 20h Chủ nhật, ngày 3/7/2022. Chương trình được phát trực tiếp trên fanpage Sức khỏe Việt Nam của Bộ Y tế, trên kênh Youtube, Tiktok và fanpage Báo Sức khỏe & Đời sống.

Khách mời tham gia chương trình:

- PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên chi hội Hen – Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TP.HCM – Chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

- TTND. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch BVĐK Tâm Anh Hà Nội

- Dẫn chương trình: Ông Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế

Đơn vị đồng hành cùng chương trình: AstraZeneca.


PV
Ý kiến của bạn