Cần sự liên kết của '4 nhà' để đưa dược liệu Việt Nam từng bước ra thế giới

25-07-2023 14:54 | Y tế

SKĐS - Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể.

Diễn đàn kinh tế Dược liệu Việt Nam- Thế mạnh của kinh tế tập thể, hợp tác xã diễn ra tại TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa hôm nay - ngày 25/7. Chương trình do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức với sự tham gia chủ trì của đại diện Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa. 

Cùng với đó là các đại biểu đến từ các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, các công ty Dược của Việt Nam và gần 100 hợp tác xã dược liệu tại 63 tỉnh thành Việt Nam tham gia trưng bày triển lãm sản phẩm làm thành chủ đề: Con đường Dược liệu Việt, Kho báu xanh.


Cần sự liên kết của '4 nhà' để đưa dược liệu Việt Nam từng bước ra thế giới - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh (giữa) cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham quan gian hàng dược liệu tại Hội nghị.

Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống "chuỗi giá trị" phát triển dược liệu quý

Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60-80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Trong đó khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX đóng góp một phần quan trọng trong trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 376 về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Theo quan điểm của Quyết định số 376 là sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao; Thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp dược, chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự; Nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

TS Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế trong bài tham luận về chính sách phát triển Dược liệu Việt Nam cũng cho biết: Việt Nam đã bước đầu hình thành hệ thống "chuỗi giá trị" phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án gấp hai lần so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo "chuỗi giá trị", đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gien dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững.


Cần sự liên kết của '4 nhà' để đưa dược liệu Việt Nam từng bước ra thế giới - Ảnh 2.

Quang cảnh Diễn đàn kinh tế Dược liệu Việt Nam- Thế mạnh của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Cơ hội lớn cho các hợp tác sản xuất dược liệu tại Việt Nam

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi hi vọng Diễn đàn lần này sẽ là sự chung tay của 4 nhà cùng nhau nỗ lực để đưa dược liệu Việt Nam phát triển và hội nhập toàn cầu".

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền và thuốc từ thảo dược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu. Doanh thu hàng năm của thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt trên 100 tỷ USD và nhu cầu về dược liệu, thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng...

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%.

Những yếu tố từ thực tế cho thấy, đây là một trong những cơ hội lớn cho các HTX sản xuất dược liệu tại Việt Nam. Để phát triển thành công ngành dược liệu Việt Nam như kỳ vọng, chúng ta không thể bỏ qua vai trò to lớn của khu vực kinh tế tập thể, HTX, một mô hình kinh tế có thế mạnh thu hút, tập hợp được đông đảo người dân, nhất là người dân khu vực miền núi, dân tộc thiểu số tham gia.


Cần sự liên kết của '4 nhà' để đưa dược liệu Việt Nam từng bước ra thế giới - Ảnh 3.

Việt Nam có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh

Với vài trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, trong những năm tới, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam cũng đặt mục tiêu tập trung mọi nguồn lực phát triển mô hình HTX, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác dược liệu trên phạm vi cả nước...

Cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hộiCần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội

SKĐS - Phần lớn chi tiêu y tế ở nước ta vẫn đến từ tiền túi của người dân, chiếm khoảng 39,6%, cao hơn một số quốc gia trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý thể chế hóa việc liên kết BHYT thương mại và BHYT xã hội để có thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khoẻ.


Thái Bình
Ý kiến của bạn