Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa xương, làm giảm sức mạnh của xương dẫn đến nguy cơ gãy xương. Loãng xương được chia làm hai loại là nguyên phát và thứ phát. Loãng xương nguyên phát thường gặp ở phụ nữ mãn kinh hay do tuổi già. Loãng xương thứ phát thường liên quan đến một số bệnh mạn tính như bệnh nội tiết, tiêu hóa, khớp, ung thư, di truyền... hoặc sử dụng các loại thuốc như corticoid, heparin, lợi tiểu kéo dài...
Mục tiêu của việc dự phòng và điều trị loãng xương là ngăn chặn tình trạng gãy xương có thể xảy ra. Ngoài các biện pháp không dùng thuốc như tập thể dục thể thao, bảo đảm chế độ ăn giàu canxi, có lối sống sinh hoạt lành mạnh... việc sử dụng thuốc trong một số trường hợp cũng cần thiết.
Thuốc bổ sung canxi bắt buộc
Canxi: Cần sử dụng thuốc có hoạt chất canxi trong suốt quá trình điều trị. Nên uống vào buổi sáng, tránh uống vào buổi tối vì có thể gây sỏi thận. Nên bổ sung đồng thời với vitamin D giúp hấp thụ canxi tốt hơn.
Vitamin D: Có thể sử dụng chất chuyển hóa của vitamin D là calcitriol cho các bệnh nhân lớn tuổi hoặc suy thận vì không chuyển hóa được vitamin D. Cần bổ sung theo chỉ dẫn của thầy thuốc vì nếu bổ sung quá nhiều vitamin D sẽ gây tăng canxi huyết, tổn thương thận, tăng huyết áp...
Thuốc chống hủy xương
Nhóm biphosphonate: Thuốc được sử dụng để điều trị loãng xương ở người trên 60 tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, sau khi dùng thuốc corticosteroid. Thuốc thường dùng gồm: Alendronate, thuốc phối hợp alendronate và cholecalciferol, uống mỗi tuần 1 viên vào buổi sáng khi đói bụng. Không nên nằm sau khi uống thuốc ít nhất là 30 phút để phòng ngừa viêm loét thực quản.
Cấu trúc xương bình thường và loãng xương.
Zoledronic acid truyền tĩnh mạch chậm mỗi năm l liều duy nhất, truyền trong thời gian trên 30 phút; lưu ý cần bảo đảm dùng đủ lượng canxi và vitamin D trước khi truyền thuốc, không sử dụng thuốc cho bệnh nhân bị suy thận, rối loạn nhịp tim...
Calcitonine dùng cho bệnh nhân mới gãy xương kèm đau xương nhiều do loãng xương, cần kết hợp với nhóm thuốc biphosphonate; tiêm dưới da hoặc tiêm bắp sau bữa ăn, mỗi đợt điều trị khoảng 10 - 15 ngày theo chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa cơ xương khớp; lưu ý thận trọng trong trường hợp có tiền sử dị ứng, nên thử test da trước khi tiêm, không dùng thuốc liên tục và kéo dài.
Nhóm điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen SERMs (Selective estrogen receptor modulators): Thường dùng cho phụ nữ bị loãng xương sau mãn kinh. Thuốc sử dụng là raloxifen, uống mỗi ngày, thời gian dùng không được quá 2 năm.
Thuốc kích hoạt tạo xương và thuốc khác
Đây là loại thuốc vừa có tác dụng tăng tạo xương và ức chế hủy xương nên được xem là thuốc có tác dụng kép phù hợp với hoạt động sinh lý của xương. Thuốc thường dùng là strontium ranelate, uống sau bữa ăn tối khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ và được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân chống chỉ định hoặc không dung nạp nhóm thuốc bisphosphonate. Tuy nhiên, do tác dụng phụ của thuốc trên hệ tim mạch nên hiện nay nhóm thuốc này chưa được chỉ định dùng điều trị rộng rãi trên lâm sàng. Có thể sử dụng thuốc ức chế hủy xương như osteocalcin, menatetrenon (vitamin K2)... Ngoài ra, cũng có thể dùng thuốc làm tăng quá trình đồng hóa như deca durabolin và durabolin. Lưu ý nhóm thuốc khác chỉ được sử dụng hoặc phối hợp trong những trường hợp cần thiết với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.
Lời khuyên của thầy thuốc
Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị loãng xương, người bệnh cần bổ sung thêm thực phẩm giàu canxi, xét nghiệm chẩn đoán mật độ calci trong xương để dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, không nên sử dụng canxi và vitamin D đơn thuần mà phải kết hợp với thuốc chống hủy xương và kích hoạt tạo xương. Đồng thời có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao phù hợp giúp xương chắc khỏe.