Cần sự đầu tư cả lượng và chất

25-10-2011 08:05 | Thời sự
google news

Y tế là một trong những lĩnh vực an sinh xã hội được Chính phủ nhấn mạnh quan tâm giải quyết tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Y tế là một trong những lĩnh vực an sinh xã hội được Chính phủ nhấn mạnh quan tâm giải quyết tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Vậy, những giải pháp nào là then chốt để thực hiện việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh? Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội ngành y tế  xung quanh vấn đề này…

Đại biểu Vi Thị Hương
(Nghệ An): Tăng cường đầu tư cả về con người và ngân sách cho y tế tuyến dưới để thực hiện giảm tải cho tuyến trên

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đầu tư cho ngành y tế, trong đó có y tế tuyến dưới thông qua một số chương trình, dự án hỗ trợ. Tuy nhiên là đại biểu Quốc hội nhưng cũng là cán bộ y tế trực tiếp làm việc ở y tế tuyến cơ sở, tôi cho rằng đối với y tế tuyến cơ sở vẫn đang rất cần sự quan tâm đầu tư từ Nhà nước cả về con người lẫn nguồn ngân sách. Thực tế cho thấy, ở các địa phương vùng sâu, vùng xa người dân vẫn phải đi cả quãng đường dài mới đến được cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện. Do đó việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để các cơ sở y tế tuyến dưới phát triển hơn nữa, rút ngắn dần khoảng cách với y tế tuyến trên, đồng thời thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngay tại cơ sở là rất cần thiết, có như thế mới góp phần vào việc giảm quá tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Bên cạnh đó, lao động trong ngành y tế là lao động đặc thù, vì thế Nhà nước cũng cần có thêm nhiều chính sách liên quan đến chế độ phụ cấp, trực cho cán bộ y tế, nhất là cán bộ tuyến dưới để chúng tôi yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đại biểu Bùi Đức Phú
(Thừa Thiên Huế): Đẩy nhanh lộ trình thay đổi về cơ chế giá dịch vụ y tế
Theo tôi, hiện nay, mặc dù đã có sự chuyển biến đáng kể trong tỷ trọng đầu tư công cho y tế, tuy nhiên sự biến chuyển đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành và nhu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngoài việc Nhà nước tăng cường đầu tư cho ngành y tế hơn nữa thì rất cần có sự thay đổi trong các chính sách về tiền lương và giá dịch vụ y tế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực tế cho thấy, khung giá viện phí đã ban hành từ năm 1995 đến nay đã quá bất cập, lỗi thời, cho nên cần phải được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho các bệnh viện hoạt động và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tất nhiên, việc điều chỉnh viện phí phải cùng với lộ trình tiến tới BYHT toàn dân, tăng chất lượng phục vụ mà trước mắt là giải quyết từng bước tình trạng quá tải. Muốn làm được những việc này, ngoài nỗ lực của ngành y tế, rất cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan…

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh): Ngành y tế cần được quan tâm đầu tư ngân sách hơn nữa

Với vai trò là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ phát huy tiếng nói của mình để góp phần đưa ra những ý kiến, kiến nghị nhằm xây dựng các chính sách liên quan đến ngành y tế theo hướng hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó, đòi hỏi của người dân về công tác khám chữa bệnh ngày càng cao. Tuy nhiên việc thiếu nguồn lực đầu tư đã làm cho ngành y tế còn một số khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Vì vậy tôi cho rằng, ngành y tế cần được quan tâm đầu tư ngân sách hơn nữa. Ngoài ra, tôi cũng quan tâm đến chính sách phát triển nguồn nhân lực và mạng lưới y tế cơ sở để chống quá tải; bảo đảm công bằng trong hưởng thụ dịch vụ y tế thông qua định hướng và quản lý hiệu quả việc xã hội hóa cũng như hoàn thiện chính sách BHYT để người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách an sinh xã hội này…

       Thái Bình  (thực hiện)


Ý kiến của bạn