Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động nghiêm trọng cả về y tế, kinh tế - xã hội, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm và nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng tốc độ tăng trưởng đạt khá, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Tuy nhiên trước diễn biến tình hình kinh tế - chính trị thế giới trở nên phức tạp, xung đột Nga - Ukraine và những biện pháp trừng phạt tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu; trực tiếp là giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao. Tại Mỹ, lạm phát lên đến 8,5% cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu hay tại châu Âu, lạm phát ở mức cao nhất trong vòng 30 năm qua.
Theo đại biểu, nước ta khi đang có cơ hội để kìm tốc độ lạm phát thì phải sử dụng, nếu không cứ điều chỉnh giá xăng dầu liên tục sẽ tác động tới tất cả các ngành hàng hóa và khi đó sẽ khó kiềm chế, kiểm soát.
Ông cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, 3 lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu được cho là không đáng kể. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc giá xăng ngày một tăng cao sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng và đối mặt với nỗi lo lạm phát.
Đại biểu phân tích nếu giá cả tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong tình trạng người dân đã rất khó khăn sau 2 năm đại dịch lấy đi phần tích lũy của người dân. Nay lại gặp "bão giá", người dân sẽ hết sức vất vả. Đối với doanh nghiệp, các chi phí đầu vào cũng tăng cao như chi phí vận chuyển, logistic…
Đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo.
Đại biểu dẫn chứng, những năm lạm phát cao như năm 1986, 1987, 1988 là thời điểm Việt Nam mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, hạch toán kinh doanh, quy định tỷ giá sát thị trường và chấp nhận cơ chế giá thị trường.
Năm 2008 biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh và khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn. Khi lạm phát cao ở mức độ 2 con số, "liều thuốc" các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ.
Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%. Nền kinh tế lúc đó đang tăng trưởng 7,5 – 8,4% thì còn 6% và nặng nhất 2011-2012, Việt Nam phải chấp nhận không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.
Đại biểu cho biết thêm, chúng ta phải hành động gấp để lạm phát không tăng lên, tránh để khi bệnh nặng lại phải dùng "liều thuốc" nặng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bỉ cách ly 21 ngày với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; Anh bắt đầu triển khai tiêm vaccine | SKĐS.