Mặc dù vậy, theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, để hệ thống khám chữa bệnh từ xa phát triển bền vững, hoàn thiện và phát huy hơn nữa vai trò của mình thì cần phải sửa đổi Luật, cũng như quy định rõ ràng hơn. PGS. Hiếu cho ví dụ, bác sĩ của bệnh viện hạt nhân và bác sĩ BV tuyến dưới qua Telehealth cùng khám chữa bệnh cho một bệnh nhân người Lào, khi ký đơn thuốc thì ai sẽ là người ký và người chịu trách nhiệm nếu như không may có chuyện gì đó xảy ra. Do đó cần phải làm rõ điều này để không chỉ bác sĩ tuyến dưới mà cả bác sĩ tuyến trên cũng cảm thấy yên tâm làm việc.
Ngoài ra, việc làm Telehealth hiện nay các bệnh viện cũng đang làm không công bởi chưa có nguồn thu từ hoạt động này. Do đó, PGS. Hiếu đề nghị cần rất sớm tìm cách để các cơ quan bảo hiểm được quyền tham gia vào thanh toán chi phí loại hình khám chữa bệnh này. Không chỉ bảo hiểm y tế mà cả các công ty bảo hiểm tư nhân cũng được tham gia vào.
Một buổi khám chữa bệnh từ xa của BV Đại học Y Hà Nội
PGS. Hiếu cũng chia sẻ thêm, để đạt hiệu quả trong khám chữa bệnh từ xa thì không chỉ bệnh viện hạt nhân quyết tâm mà đòi hỏi phải có sự hợp tác thực chất nhiệt thành từ BV tuyến dưới. BV hạt nhân làm quyết liệt, tâm huyết nhưng các bệnh viện địa phương không thích thú làm cho có thì buổi hội chẩn sẽ rất nhàm chán, mất thời gian. Do đó, cả bệnh viện tuyến và bệnh viện tuyến dưới hãy coi nhau như đối tác để phối hợp cùng nâng cao vị thể không phải của BV trung ương mà chính là vị thế của bệnh viện địa phương lên để người dân tin vào BV địa phương.
" Khám chữa bệnh từ xa không phải là nơi để bất kỳ bệnh viện nào khoe "chiến tích" điều trị".PGS. Hiếu nói.
Hiện, BV Đại học Y Hà Nội đã tiến hành tổ chức định kỳ 1 tuần 2 buổi Telehealth (thứ 3 và thứ 5). Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến. Sau 5 tháng triển khai, BV đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, 293 ca bệnh được hội chẩn; 162 bệnh viện đề xuất tham gia kết nối.