'Cần sớm bỏ quy định chỉ sinh từ 1 đến 2 con'

13-08-2024 19:40 | Xã hội

SKĐS - Trước thực trạng nhiều bạn trẻ hiện nay có tâm lý ngại sinh con, các chuyên gia cho rằng, cần sớm đưa những quy định khuyến khích, động viên các cặp vợ chồng sinh con vào thực tế, để có thể ngăn chặn sớm tình trạng già hóa dân số.

Có tâm lý ngại sinh con ở giới trẻ

Là một nhân viên văn phòng với công việc ổn định, chị Nguyễn Hoài Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) đã sắp bước sang tuổi 30. Mặc dù gia đình chị và người yêu nhiều lần thúc giục, thế nhưng, chị Thu vẫn chưa muốn kết hôn. Bởi chị vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng và chưa sẵn sàng tâm lý để làm mẹ.

"Nếu bây giờ kết hôn, chắc chắn mình và người yêu sẽ phải tính tới việc sinh con ngay. Bởi tâm lý bố mẹ hai bên, ai cũng muốn điều này. Trong khi tại thời điểm này mình có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc, mình chưa thể dành thời gian để sinh nở, chăm sóc con cái. Cùng với đó, ở Hà Nội nhiều khoản phải chi tiêu. Với điều kiện kinh tế của mình và người yêu hiện nay, khó có thể cho con một cuộc sống như mình mong muốn", chị Thu chia sẻ.

Hai vợ chồng đã kết hôn được hơn 1 năm, sau nhiều lần tính toán, vợ chồng chị Đặng Vân Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) mới quyết sinh con đầu tiên. Mang thai được hơn 5 tháng, thế nhưng, chị Vân Anh vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở.

'Cần sớm bỏ quy định chỉ sinh từ 1 đến 2 con'- Ảnh 1.

Chị Vân Anh (ở giữa) chia sẻ với phóng viên.

"Sinh em bé cũng không hề đơn giản, phải chuẩn bị kinh tế và đảm bảo sức khỏe cho người mẹ. Dù mang thai bé được hơn 5 tháng, tôi vẫn còn khá lo lắng. Không biết liệu mình có thể chăm sóc và cho con một cuộc sống tốt không? Bên cạnh đó, khi có em bé, tôi cũng sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho con, và bỏ lỡ nhiều cơ hội đang có với công việc", chị Vân Anh nói.

Con trai đầu lòng đã được gần 3 tuổi, thế nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Thức (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa có ý định sinh thêm con thứ 2. Bởi một phần vì làm ăn xa quê, không có người hỗ trợ khi sinh con, một phần vì áp lực kinh tế.

"Vợ chồng tôi cũng chưa có suy nghĩ, kế hoạch sinh thêm em bé. Hiện tại, tôi thấy một cháu như thế này là tốt rồi, để có đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy bảo. Thực ra, tôi thấy hiện nay nhiều người cũng chỉ đẻ một con. Bạn bè tôi nhiều người cũng là con một, sống vẫn vui vẻ, hạnh phúc nên tôi thấy sinh 1 con cũng không có vấn đề gì", anh Thức nói.

'Cần sớm bỏ quy định chỉ sinh từ 1 đến 2 con'- Ảnh 2.

Vợ chồng anh Thức.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ sinh toàn quốc năm 2023 là khoảng 1,96 con/phụ nữ, giảm so với mức 3,6 con/phụ nữ vào năm 1989 và là mức thấp nhất từ trước đến nay.

Tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đang ở mức thấp nhất ở Đông Nam Á (2 con/phụ nữ). Mức sinh giảm đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức sinh thấp, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Cần sớm bỏ quy định chỉ sinh từ 1 đến 2 con

Trước thực trạng mức sinh ở Việt Nam có xu hướng giảm, vừa qua, Bộ Y tế đã đề nghị xây dựng Luật Dân số. Cụ thể, tại Đề cương dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất, cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh; được cung cấp thông tin, tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

Lý giải về đề xuất này, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng cục dân số, Bộ Y tế cho biết: "Các giải pháp nêu trên trong dự thảo luật sẽ góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về công tác dân số. Và qua đó tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp, khó vực lên như kinh nghiệm của một số quốc gia, dẫn tới già hóa dân số trầm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giảm tình trạng người có ít điều kiện chăm sóc con cái nhưng lại sinh nhiều, ảnh hưởng chất lượng dân số, đảm bảo quyền con người, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế liên quan đến công tác dân số mà Việt Nam là thành viên".

Về vấn đề này, GS. AHLĐ Nguyễn Anh Trí, Thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đề xuất của Bộ Y tế là hoàn toàn khả thi. Tại thời điểm này, nhu cầu của nhân dân là có, cho nên ý Đảng lòng dân là hợp nhau.

"Nếu tình trạng quy định mỗi gia đình không được có con thứ 3, thì đến một giai đoạn sẽ không kịp nữa. Bài học nhãn tiền chúng ta có thể thấy được đó là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ở nhiều địa phương Việt Nam hiện nay, có những thành viên của các hộ gia đình không phải là đảng viên, điều kiện khó khăn, nhưng đẻ thì vẫn cứ đẻ. Còn các đảng viên, kể cả những người có điều kiện hay chưa có điều kiện đều phải chấp nhận chính sách không được sinh con thứ 3. Cho nên dẫn đến tình trạng lệch về mặt dân số, ở đây là lệch về chất lượng, và càng kéo sự phát triển đi xuống", GS. AHLĐ Trí chia sẻ.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, để ngăn chặn xu hướng già hóa dân số, chúng ta cũng phải cân nhắc xóa bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 - 2 con, và xử lý kỷ luật những ai sinh con thứ 3 trở lên. Khi đó chúng ta mới có thể tin tưởng một cách có cơ sở rằng, dân số không bùng nổ, mà vẫn có thể duy trì được mức sinh thay thế.

Bộ Y tế đề xuất chính sách gì để thích ứng với già hóa dân số?Bộ Y tế đề xuất chính sách gì để thích ứng với già hóa dân số?

SKĐS - Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế đề xuất chính sách thích ứng với già hóa dân số, dân số già.


Nguyễn Văn Sơn
Ý kiến của bạn