Phát biểu cho ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, việc đầu tư Dự án rất phù hợp với các quy hoạch có liên quan; vừa giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông ở khu vực Tây Nguyên, vừa thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị trong quá trình triển khai dự án lưu ý tránh những bất cập như ở những tuyến cao tốc vừa hoàn thành. Đó là phải bố trí luôn các trạm dừng nghỉ, cây xăng và trạm sạc điện. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp ô tô điện bị hết điện trên đường cao tốc phải chờ cứu hộ. Trong khi chúng ta đang tuyên truyền sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, thì phải thiết kế hạ tầng thuận tiện cho các phương tiện dùng loại năng lượng này.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai thi công, chú ý đồng thời hệ thống kết nối dân sinh như đường gom, hầm chui dân sinh và cầu vượt ngang. Bởi vì trên thực tế đã có những công trình đường cao tốc không hoàn thành đồng thời những kết nối dân sinh gây khó khăn cho người dân, vì quá trình đi lại của người dân bị chia cắt bởi đường cao tốc.
ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành với thiết kế 6 làn xe, trước mắt sẽ thực hiện 4 làn xe để giảm chi phí nhưng khi giải phóng mặt bằng phải đảm bảo 6 làn xe. Bên cạnh đó, khi đầu tư bắt buộc phải có làn dừng khẩn cấp và kết hợp trạm dừng nghỉ.
ĐBQH Nguyễn Văn An – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, theo Tờ trình của Chính phủ, đoạn kết nối từ nút giao với cao tốc TPHCM - Chơn Thành đến đường HCM đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có chiều dài chỉ khoảng 2 km, dự kiến đầu tư quy mô 2 làn xe. Đại biểu đề nghị nên xem xét đầu tư đoạn kết nối 2km này mở rộng hơn theo quy mô 4 làn xe, để kết nối đồng bộ, bảo đảm an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, tại phiên thảo luận Tổ, nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến việc bồi thường tái định cư. Theo đó, các đại biểu chỉ ra rằng, thực tế triển khai các dự án thời gian qua cho thấy tiến độ thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án. Bên cạnh đó, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, vì vậy đề nghị cần quan tâm, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.